Trò chuyện đầu xuân cùng chuyên gia Viện Phát triển Du lịch Châu Á về hướng phát triển của du lịch cộng đồng

Quang Bình - Thảo Nguyên

12/02/2024 06:09

Thời gian gần đây, cụm từ du lịch cộng đồng thường được nhắc đến và mục tiêu quốc gia là du lịch xanh, du lịch bền vững... Để phát huy du lịch cộng đồng cần phải hiểu và nhìn nhận rõ về loại hình này, hướng đến sự phát triển bền vững, mang lại giá trị cộng đồng cao. Từ đó, có cái nhìn khách quan về vai trò của chính quyền, của cộng đồng và người làm du lịch địa phương. Đồng thời, phải làm sao tạo nên sự gắn kết thật sự để có những bước đi đúng hướng đem lại hiệu quả cho người dân.

Trước những vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Bà Đinh Thanh Loan - Phó Chủ Tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam, Chuyên gia Viện Phát triển Du lịch Châu Á về hướng phát triển của du lịch cộng đồng bền vững.

PV: Thưa bà, du lịch cộng đồng được xem là du lịch bền vững, người dân và địa phương tham gia đều được hưởng lợi. Vậy trong bối cảnh hiện nay, du lịch cộng đồng cần phát huy những ưu thế gì?

Bà Đinh Thanh Loan: Khi xây dựng các làng du lịch cộng đồng, căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng, từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch. Với tiêu chí, du lịch xanh, du lịch bền vững; dần chuyển đổi từ các nghề trước đây, để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.

Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền, thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó. Từ đó, phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

z5152047586253-d4102663d8d8313362f047bb91da8674-1707692528.jpg
Bà Đinh Thị Thanh Loan - Phó Chủ Tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam, Chuyên gia Viện Phát triển Du lịch Châu Á.

PV: Bà có thể chia sẻ, tiêu chí nào để có thể làm du lịch cộng đồng? Theo bà, để phát huy du lịch cộng đồng hiệu quả cần phải có những điều kiện gì?

Bà Đinh Thanh Loan: Để phát huy du lịch cộng đồng có hiệu quả, thì chúng ta cần hiểu và nhìn nhận rõ, thế nào là du lịch cộng đồng, cách lựa chọn, hoàn thiện và khai thác du lịch cộng đồng như thế nào. Vai trò của chính quyền, của cộng đồng đó. Vai trò của cộng đồng du lịch và cộng đồng làm du lịch địa phương, gắn kết như thế nào thì lúc đó du lịch cộng đồng mới thật sự có bước đi chuẩn. Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

Cái khó, khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ vì “cộng đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng, thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó, chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản. Du lịch cộng đồng căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác, để dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững; dần chuyển đổi từ các nghề trước đây để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.

z5152800071886-21b76c5f013773407c832f377bd975e1-1707692597.jpg
Người dân địa phương sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở cho họ và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường...

Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Người dân địa phương sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở cho họ và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Đồng thời, giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị truyền thống khác của người dân. Song song với đó, họ có thể kiếm thu nhập với tư cách là người quản lý đất đai, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ... Hơn nữa, nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch cũng sẽ được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng, trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản, bên cạnh việc giúp đỡ cư dân địa phương duy trì cuộc sống đơn thuần.

PV: Thưa bà, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng để không đánh mất giá trị của nó. Vậy phát triển du lịch cộng đồng thì phải có trách nhiệm với xã hội?

Bà Đinh Thanh Loan: Giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. Người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào. Với du lịch cộng đồng, du khách sẽ có được những trải nghiệm mang tính truyền cảm hứng về văn hóa và thiên nhiên dựa trên những khía cạnh đặc biệt trong cuộc sống của dân địa phương. Tất cả mọi người đều có được những lợi ích nhất định, người dân địa phương và doanh nghiệp được hỗ trợ để phát triển hơn nữa nhờ du khách, du khách trở về nhà sau chuyến đi trong hài lòng và cảm giác được gắn kết hơn.

Du lịch cộng đồng có thể giúp tái xây dựng sinh kế của người dân địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự cân bằng, tính bền vững về tài chính và xã hội.

z5152742504292-9229e4db7eee93ac4fd5c9143614489c-1707692638.jpg
Với du lịch cộng đồng, là phải đoàn kết và đi lên từ nội lực, tôn trọng tuyệt đối văn hóa bản địa...

Với du lịch cộng đồng, là phải đoàn kết và đi lên từ nội lực, tôn trọng tuyệt đối văn hóa bản địa, không đưa cái bên ngoài vào, phục hồi nguyên trạng thiên nhiên môi trường xung quanh. Rồi mới cùng cộng đồng kiến tạo nên sản phẩm tour du lịch, mà nguyên liệu ở đây chính là hơi thở cuộc sống, sinh hoạt, lao động canh tác hàng ngày của người dân bản địa. Rồi mới gắn kết chọn lọc khách hàng với mục tiêu đến với vùng đất với tư duy: “Sự hài lòng của du khách sánh ngang với sự hài lòng của cộng đồng”.

Những du khách tôn trọng tuyệt đối ngôi làng, văn hóa bản địa và thiên nhiên môi trường mới được đón đến để cùng trải nghiệm, hưởng thụ cao về văn hóa, thiên nhiên… Rồi cùng cộng đồng xây dựng tích hợp thêm các giá trị về nông sản, đặc sản, OCOP địa phương kèm với các ngành nghề thủ công truyền thống vốn có, đời sống tinh thần văn hóa phong phú của họ.

Qua đó, hướng đến việc bồi đắp, phục hồi cả môi trường văn hóa và môi trường thiên nhiên, rồi gia tăng phúc lợi xã hội cho cộng đồng. Nhằm đạt mục tiêu chỉ số hạnh phúc cho cả cộng đồng. Những người kết nối cộng đồng và du khách phải tôn trọng cộng đồng tuyệt đối, không được lấn át cộng đồng, mà sẽ giúp cộng đồng kết nối du khách, tham gia thêm các giá trị như xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra của nông sản và các sản phẩm thủ công truyền thống…

PV: Được biết, hiện tại bà đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, vừa qua Làng Du lịch Cộng đồng Tân Hóa Quảng Bình được Tổ chức Du lịch Thế giới bình chọn là làng Du lịch tốt nhất Thế giới. Dưới góc nhìn từ du lịch cộng đồng từ Quảng Bình, bà có ý kiến gì khi xây dựng làng du lịch cộng đồng.

Bà Đinh Thanh Loan: Dân miền Trung có câu ca dao thế này: “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc còn chồi nãy cây”. Trước đây, Tân Hóa là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Cứ mùa mưa đến, những dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về vùng đất này. Những lối thoát cuối các hang động không đủ sức để tháo nước, khiến cho vùng đất Tân Hóa lại ngập chìm trong nước lũ, kéo dài nhiều ngày liền. Tất cả những ngôi nhà nơi đây đều ngập chìm trong biển nước. Người dân Tân Hóa đã quen với cuộc sống của những ngày mưa lũ, quen với cái khổ của những ngày ngập chìm trong dòng nước bạc. Người dân Tân Hóa phải tìm lối thoát lên núi để tránh lũ và họ thường mất hết tài sản khi nước lũ cuốn trôi mọi thứ.

Sau cơn lũ lịch sử năm 2010, người dân nơi đây đã tạo ra mô hình nhà nổi độc đáo. Mỗi ngôi nhà rộng khoảng 20m2, được xây dựng bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được gắn chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi lên khi nước lũ dâng cao. Những căn nhà nổi này đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người dân và tài sản của họ trước sức mạnh của lũ lớn.

tan-hoa-village-5-1707692763.jpg
Khung cảnh thiên nhiên của Làng Tân Hoá.

Từ một làng quê quanh năm đối diện với khó nghèo, mưa lũ, chật vật mưu sinh dưới những lèn núi đá vôi, Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis. Những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng ngô, nuôi bò hay ngược ngàn khai thác gỗ, nay đã tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn. “Rốn lũ” Tân Hóa đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ.

Thực tế này đã gợi mở ý tưởng về mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa Quảng Bình, cũng là hướng phát triển kinh tế mới rất triển vọng của vùng đất này với sự đồng hành hỗ trợ của Oxalis và chính quyền địa phương mỗi mùa lũ lụt đổ về.

Dưới góc nhìn từ Quảng Bình, chúng ta có thể nhìn nhận làm du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên, văn hóa của làng quê... và tất cả phải đồng lòng, đồng sức. Từ chính quyền đến người dân...

Pv: Trân trọng cám ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện đầu năm thú vị này!

Quang Bình - Thảo Nguyên