Sáng ngày 10.5.2019, tại Hội thảo Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán tổ chức lấy ý kiến của đại diện các bên liên quan.
Theo đại diện cho cơ quan soạn thảo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, việc thay đổi bổ sung các hạn chế nhằm giảm thiểu rủi ro, phòng tránh các hoạt động các hoạt động lợi dụng ví điện tử để thực hiện các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền. Theo ông, một dự thảo sẽ đưa ra rất khó để làm hài lòng hết ý kiến của tất cả các bên.
Theo ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, trung gian thanh toán là lĩnh vực tiềm năng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây và có những đóng góp vào sự tăng trưởng của thương mại điện tử và kinh tế số. Hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Đa phần ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng cần tạo chính sách thông thoáng để ví điện tử có thể phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển của thanh toán không tiền mặt. “Tôi nghĩ nên cân nhắc việc sửa đổi Thông tư có thể đồng bộ các công ty fintech, tránh hạn chế phân biệt đối xử trong những mô hình kinh doanh mới”, Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nói.
Theo ý kiến của ông Trần Quang Huy, Chủ tịch CLB Công nghệ Tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, về bản chất, ví điện tử là tài sản của người dùng. Họ có quyền định đoạt tài sản của mình.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng - BIDV, lượng tiền mặt luân chuyển trong nền kinh tế rất lớn. Bằng chứng là 89-90% giao trên tổng dịch vẫn là tiền mặt. Nhiệm vụ của các bên là làm sao giảm thanh toán tiền mặt. Ông nhận định, thu nhập của người dân và mức độ chi tiêu cũng tăng khá nhanh, việc đặt ra hạn mức có thể kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử, hạn mức 100 triệu có thể rất thỏa đáng trong thời gian hiện tại nhưng có thể sẽ không hợp lý trong thời gian tới. Lấy ví dụ việc một gia đình mua bốn suất du lịch Hàn Quốc đã là 120 triệu, lớn hơn nhiều so với hạn mức mà dự thảo đề ra, gây khó khăn cho người dùng. Ông cho rằng, cần đặt một ngưỡng cho khách hàng để họ đăng kí và các cơ quan có thể dễ quan sát.
Ông Hưng cho biết thêm việc định danh đã rất chặt, thậm chí trùng nhau. Như vậy cần làm sao có cơ chế liên thông để đơn giản cho khách hàng. Thông thoáng, tiện lợi và an toàn là tiền đề cho thương mại điện tử tăng nhanh, ông nói.
Bà Nguyễn Thùy Dương Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst&Young chia sẻ, theo thống kê, chi phí định danh một tài khoản ngân hàng vào khoảng 300 nghìn đồng, chưa kể đến chi phí duy trì rất cao. Bà Dương đề xuất, làm sao để các tổ chức khác có thể cùng sử dụng cùng một nguồn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.
Đại diện ví điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (MoMo) chia sẻ, cần xem lại hạn mức giao dịch trong dự thảo bổ sung. Ông cho biết, trước đây, khách hàng MoMo rất ít nhưng giao dịch tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2018. Do đó, nếu hạn mức 100 triệu đồng trong năm năm thì nên tăng thêm như 200 triệu đồng vì với thị trường tăng mạnh thì chưa hình dung hết tiềm năng.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định nên xóa bỏ hạn mức đối với doanh nghiệp. Theo ông Diệp, doanh nghiệp có nhu cầu chi rất nhiều cho các khoản cho chi thu từ tài khoản ngân hàng. Do đó, cần xem xét không áp dụng hạn mức cho doanh nghiệp vì đây là nhu cầu chính đáng và tạo động lực khuyến khích. Ông cho rằng, khi doanh nghiệp trả bằng ví thì thúc đẩy nhân viên của họ thanh toán không bằng tiền mặt.
Cũng liên quan đến vấn đề hạn mức, đại diện của Ví SenPay thuộc tập đoàn FPT - ông Đỗ Văn Khôi góp ý kiến, ví điện tử cá nhân và doanh nghiệp đã có kí hợp đồng thì không cần có hạn mức. Theo ông Khôi, nên xem xét áp dụng hợp đồng điện tử vào việc này.
Theo đại diện công ty CP Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt - ví Payoo, với các tổ chức ví điện tử thì cần có công cụ giám sát. Bà cho rằng ví điện tử rất đồng ý song hành với NHNN nhưng trong giai đoạn thị trường bùng nổ, nhiều bên gia nhập, làm sao nới lỏng để thị trường trưởng thành rồi quan sát, quản lý.
Đại diện Công ty CPVT Đường sắt Hà Nội chia sẻ, qua nhiều năm, thanh toán điện thoại để mua vé cũng đạt tăng trưởng rất nhanh, riêng quý 1.2019 lên 23%. Trong đó, có trường hợp một người mua vé cho rất nhiều người. Nếu áp dụng hạn mức thì rất hạn chế. Vì thế, để tăng tiện ích cho người dùng thì nên tăng hạn mức thanh toán.
Liên quan đến Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, uối tháng 4.2019, NHNN công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán. Dự thảo đưa ra quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử trong đó đáng chú ý bao gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp - rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch.
Đại diện VCCI cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo và nhận được trong thời hạn để gửi cho cơ quan soạn thảo nghiên cứu đánh giá để tiếp thu. Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Phạm Tiến Dũng cũng cam kết sẽ nghiên cứu các nội dung góp ý, đặc biệt trong vấn đề hạn mức giao dịch, và khẳng định mong muốn của NHNN trong việc xây dựng chính sách để khuyến khích các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.