Trái phiếu ngân hàng thương mại chiếm tới 90,7% tổng giá trị phát hành trong tháng Tư

Trung Kiên

10/05/2022 19:11

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng Tư vừa qua đến từ các Ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành.

trai-phieu-doanh-nghiep-1652184338.jpg
Từ đầu năm đến nay, nhóm Bất động sản đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng là 28,856 tỷ đồng

Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố từ trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16,472 tỷ đồng.

Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng Tư vừa qua đến từ các ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, Ngân hàng Thương mại ổ phần Quân đội phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng trái phiếu cũng có kỳ hạn 3 năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các nhóm năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính cũng phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng nhưng khối lượng chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị phát hành.

Theo thống kê của VBMA, trong tháng Tư vừa qua, nhóm doanh nghiệp bất động sản không phát hành trái phiếu. Trong khi tháng Ba năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đứng đầu với 46,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu.

VBMA cho biết từ đầu năm đến nay, có 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị là 8.696 tỷ đồng và 97 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 68.566 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng Tư vừa qua, có 97 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 68.566 tỷ đồng, chiếm 88,74% tổng giá trị phát hành và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng, chiếm 11.26% tổng giá trị phát hành.

Nhóm Bất động sản đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng là 28,856 tỷ đồng, chiếm 37,35%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 21.559 tỷ đồng, tương đương 74,71%.

Nhóm Ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với 24.393 tỷ đồng, chiếm 31,57% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của các ngân hàng thương mại là 4,03 năm, lãi suất phát hành thường đường thả nổi theo lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh. Trong nhóm này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng, theo sau bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam với 3.948 tỷ đồng.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành chỉ thị giao các đơn vị trong Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã có tiềm ẩn rủi ro. Gần đây, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo, đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153 năm 2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi ngay trong tháng 5.

Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm trình bộ ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu để quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này.

Trung Kiên