Tính từ đầu năm đến tháng 11/2024, TP.HCM không có dự án nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội nào được giao đất hoặc cho thuê đất. Chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng, trong khi không có dự án nhà ở xã hội nào nhận giấy phép.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong 11 tháng qua, thành phố chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở, bao gồm 6 dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý và 6 dự án do UBND TP. Thủ Đức giải quyết nhờ cơ chế phân cấp. Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án trong số này là dự án nhà ở xã hội. Số lượng này giảm mạnh, chỉ bằng 1/5 so với các năm trước đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, hiện TP.HCM chỉ có 31 dự án nhà ở thương mại đang triển khai với tổng số 31.167 căn hộ, tương đương 1/3 so với số lượng dự án hàng năm trước đây. Trong đó, chỉ có 4 dự án đủ điều kiện huy động vốn, đưa ra thị trường 1.611 căn nhà – giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 100% nguồn cung nhà ở tại TP.HCM. Hiện không còn nguồn cung mới cho nhà ở trung cấp và bình dân. Tình trạng mất cân đối này tiếp tục làm "lệch" cơ cấu sản phẩm nhà ở, không đáp ứng nhu cầu của người thu nhập trung bình và thấp.
Cụ thể, tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường TP.HCM liên tục gia tăng qua các năm: Năm 2020: 70,6%; Năm 2021: 72%; Năm 2022: 78,3%; Năm 2023: 68,55%; Năm 2024 (11 tháng đầu năm): 100%.
Theo HoREA, giá bình quân của 1.611 căn nhà cao cấp được chào bán trong năm 2024 đã đạt 9,39 tỷ đồng/căn (giá sơ cấp). Đây chưa phải mức giá thực tế trên thị trường, vì giá bán có thể cao hơn khi giao dịch.
Sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá nhà lên cao, với mức tăng 15-20% trong giai đoạn 2015-2023. Dự báo, giá nhà sẽ tiếp tục tăng 15-20% vào năm 2025 do bảng giá đất điều chỉnh năm 2024.
Theo các chuyên gia bất động sản, sự thiếu hụt nguồn cung được cho là do ách tắc trong quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng. Đặc biệt, khâu chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn.
Điều này dẫn đến hệ quả là không có dự án mới. Theo đó, trong năm 2025, thị trường sẽ không có thêm dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội nào đủ điều kiện triển khai. “Méo mó cơ cấu sản phẩm, mô hình "kim tự tháp nhà ở" tại TP.HCM bị đảo ngược, khi nguồn cung nhà ở cao cấp vượt trội so với nhà ở trung cấp và bình dân”, một chuyên gia cho hay.