TPHCM cho tiểu thương chợ truyền thống hoạt động trở lại và bán hàng theo ngày chẵn, lẻ

Tuệ Nghi

19/07/2021 17:50

Ngày 19/7, UBND TPHCM đã có Công văn 2383 về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Theo đó, tiểu thương có thể được bán hàng theo từng thời điểm hoặc theo ngày chẵn lẻ là một trong những phương án sẽ được áp dụng trong thời gian tới. 

Trong công văn này, UBND thành phố cho biết, trong bối cảnh Covid 19 bùng phát, hiện 3 chợ đầu mối, 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chính việc phân phối thực phẩm qua kênh hiện đại đã làm gia tăng áp lực và tạo nhiều cơ hội lây nhiễm dịch bệnh. Trước tình hình trên, theo UBND TPHCM thì việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hoá tại địa phương với phương thức phù hợp và việc các chợ truyền thống mở lại trong điều kiện an toàn là cần thiết.

bd-1626691178.jpeg
Việc tạm thời đóng cửa các chợ truyền thống, trong đó có chợ đầu mối đang khiến cho TPHCM rơi vào tình trạng khan hiếm thực phẩm trong những ngày qua. Ảnh: Satra.

Để làm việc này, UBND TPHCM giao cho Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục quản lý thị trường, UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện nghiên cứu các cách thức để chợ truyền thống hoạt động trở lại nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

UBND thành phố gợi ý một số cách như phát phiếu đi chợ, tổ chức kinh doanh theo hình thức luân phiên xen kẽ (phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngành chẵn, lẻ…), bên cạnh đó là hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để giúp việc mua bán nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế tiếp xúc giữa người mua và người bán.

Trong công văn này, UBND thành phố cũng yêu cầu ưu tiên tiêm vaccine cho tiểu thương, người dân thường xuyên làm việc ở chợ truyền thống.

Cũng trong ngày 19/7 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có cuộc họp trực tuyến với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL để bàn bạc tìm giải pháp nhằm đưa hàng hoá lưu thông trở lại nhưnng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo đại diện tỉnh Trà Vinh, hiện các tài xế không dám đến TPHCM vì vấn đề kiểm dịch và đề xuất TPHCM sớm có những thông tin cụ thể để các tài xế có thể đưa xe hàng đến thành phố. Bên cạnh đó, phía Trà Vinh cũng cho biết, hàng hoá nông sản của tỉnh còn dồi dào, vậy phía TPHCM cho biết là đang thiếu mặt hàng gì, bao nhiêu để Trà Vinh đưa lên. Còn Đồng Tháp đề nghị các tỉnh cùng tạo ra một kênh phân phối để tạo điều kiện cho nông sản các tỉnh được lưu thông.

Theo lãnh đạo các sở NN&PTNT tham gia buổi họp trực tuyến, hiện cơ quan chức năng chưa xem các mặt hàng vật tư nông nghiệp là sản phẩm thiết yếu, vì thế, nếu những mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không được vận chuyển đến cho bà con nông dân sẽ tạo ra tình trạng kham hiếm, đẩy giá tăng lên, qua đó, làm cho đầu vào của các loại nông sản trong thời gian tới tăng, cuối cùng bên phải trả giá cao là người tiêu dùng.

Nhìn chung, cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với các tỉnh thành phía Nam cho thấy, nông sản thực phẩm đang dự thừa ở nhiều tỉnh phía Nam nhưng do vấn đề quy định xét nghiệm Covid 19 của tài xế đã ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá không chỉ trong các địa phương với nhau mà cả cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các tỉnh phía Nam ra phía Bắc.

Tuệ Nghi