Thông tin ban đầu cho thấy, VNPost đã đăng ký 200 điểm, còn Viettel Post đăng ký 34 điểm bán.
Theo đó, tại mỗi điểm đang bán sẽ có khoảng 20 loại rau, được chia sẵn theo những bịch lớn (mỗi bịch vài loại rau xanh, củ, quả) và gạo, dầu ăn, đường, muối, nước tương, thực phẩm khô... với giá bằng hoặc thấp hơn giá bình ổn thị trường. Các điểm bán chủ yếu hoạt động vào buổi sáng, thời điểm người dân đi chợ nhiều.
Theo Sở Công Thương TPHCM, ngoài 2 doanh nghiệp lĩnh vực bưu chính kể trên, một số doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp logistic... đã tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, mang rau củ, thịt heo, cá... cùng nhiều loại thực phẩm khác bán cho người dân tại các khu dân cư, khu vực bị phong toả...
Riêng trong ngày 15-7, các doanh nghiệp đã tổ chức được 75 điểm bán hàng lưu động với 84 lượt xe. Trong đó có 19 điểm với 28 lượt xe bán hàng lưu động theo đề xuất của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
TPHCM hiện còn 63/234 chợ truyền thống hoạt động và kinh doanh thực phẩm. Vì thế, Sở Công thương TPHCM có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện các phương án phòng chống dịch của các chợ truyền thống trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng khôi phục, đưa vào hoạt động trở lại.
Trước mắt, rà soát, thí điểm lựa chọn 2 đến tối đa 10 tiểu thương (tùy theo quy mô hoạt động của chợ) kinh doanh mặt hàng rau củ quả, đồng thời tổ chức kinh doanh theo hình thức luân phiên trong trường hợp có nhiều tiểu thương muốn hoạt động trở lại. Hướng dẫn tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế việc tiếp xúc. Thực hiện phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.