Đến năm 2045 - tức là tròn 100 năm lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, phồn vinh, nhân dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc. Tiến trình này đã và đang được thúc đẩy bởi hàng loạt dự án hạ tầng điểm nhấn, làm thay đổi diện mạo và nâng tầm vị thế quốc gia. Trong số đó có những biểu tượng mới được xây dựng bằng khát vọng hùng cường tinh thần Việt Nam mãnh liệt. Nhân Quốc khánh 2/9, cùng nhìn lại những công trình đầy tự hào này.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia: Cột mốc mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Là dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia vừa chính thức được khởi công tại Đông Anh, Hà Nội. Công trình mang khát vọng của doanh nghiệp Việt hướng tới mục tiêu kiến tạo những công trình đẳng cấp toàn cầu cho quốc gia.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia có quy mô lên tới 90 ha, được xây dựng trên vùng đất địa linh Đông Anh - nơi từng 2 lần được chọn là kinh đô của nước Việt. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ nằm trong Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới.
Công trình vừa là biểu tượng thịnh vượng mới của Thủ đô vừa đại diện cho khát vọng vươn tầm của người Việt
Tọa lạc nơi “cánh cửa mở ra thế giới” của Hà Nội cũng như cả miền Bắc và ngay kế bên nội đô lịch sử, dự án sẽ kết hợp với loạt công trình điểm nhấn khác tạo nên diện mạo khang trang, hiện đại cho vùng Thủ đô. Đây sẽ là bệ phóng đưa Đông Anh trở thành “kinh đô” của các sự kiện đẳng cấp quốc tế trong tương lai.
Đặc biệt, được kiến tạo theo mô hình các trung tâm triển lãm quốc tế hàng đầu thế giới, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ là nơi khởi phát nền kinh tế Expo sôi động, giúp Việt Nam chính thức gia nhập vào ngành công nghiệp triển lãm toàn cầu, với doanh thu lên tới 325 tỷ USD/năm. Đây là nền tảng quan trọng tạo môi trường quốc tế cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, kết nối, xúc tiến hợp tác, khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong thương mại toàn cầu.
Cất cánh với “siêu sân bay” quốc tế Long Thành
Để giúp quốc gia có thêm sức bật trong hội nhập quốc tế, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm cũng đang được triển khai trên khắp cả nước. Trong đó, không thể không kể tới “giấc mơ cất cánh” với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Được xây dựng trên mặt bằng lên tới 5.000 ha, gấp 6 lần diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, “siêu dự án” có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16 tỷ USD. Với tốc độ thi công thần tốc, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 2/9/2026. Nhà ga đầu tiên tại đây có thể tiếp nhận tới 25 triệu hành khách/năm và con số này sẽ tăng lên gấp 4 lần khi dự án hoàn thiện toàn bộ.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế
Siêu dự án cao tốc Bắc - Nam tạo trục giao thông “xương sống”
Một công trình khác minh chứng cho Tinh thần Việt Nam mãnh liệt là cao tốc Bắc - Nam. Năm 2004, đoạn tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam là TP HCM - Trung Lương được khởi công, với chiều dài 62km. Trong 20 năm sau đó, Việt Nam chỉ xây dựng được gần 1.200 km cao tốc. Nhưng sau khi có chủ trương xây dựng cao tốc Bắc - Nam, 3 năm qua, Việt Nam đã hoàn thành thêm được 858 km cao tốc.
Dự kiến vào năm sau, 12 dự án thành phần cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đều cán đích tiến độ, giúp hoàn thành “trục xương sống” của mạng lưới giao thông quốc gia kéo dài từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tới TP Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố với chiều dài 2.063 km.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc - một kỳ tích về phát triển hạ tầng (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)
Thực tiễn đã minh chứng “đại lộ sinh đại phú”, đường mở đến đâu, dân giàu đến đó. Cao tốc Bắc - Nam khi liền một dải sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; từ đó, mở ra tiền đề hoàn thiện 5.000 km cao tốc vào năm 2030, tạo bệ phóng đưa đất nước bứt phá, tiến đến hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Các dự án năng lượng khơi thông “dòng máu” cho hoạt động sản xuất
Kể từ công cuộc Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến dài, từng bước khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ thế giới. Có được thành tựu này không thể không kể tới vai trò động lực của đường dây 500 KV Bắc - Nam.
Được xây dựng hoàn toàn từ bàn tay, khối óc của người Việt, “kỳ quan” dài tới 1.500 km này hoàn thành chỉ sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, giúp giải cơn “khát điện” trầm trọng ở khu vực phía Nam khi đó. Đúng 30 năm sau ngày khởi công, công trình này hiện vẫn đang vận hành an toàn, thông suốt. Ngày 29/8 vừa qua, dự án đường dây 500 kV mạch 3 vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, cũng được khánh thành, hoàn chỉnh kết nối từ Bắc vào Nam.
Một đại dự án năng lượng khác cũng được nhắc tới như một “kỳ tích” kiến tạo của người Việt, là thủy điện Sơn La. Khởi công năm 2005, nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời điểm đó đã hoàn thành chỉ sau hơn 7 năm thi công - về đích trước thời hạn 3 năm. Cho tới năm ngoái, công trình thế kỷ này đã cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh điện sản xuất lên lưới điện quốc gia, đảm bảo khơi thông “dòng máu” cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng giây, từng phút, đồng thời, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với một quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng quyết định đến phát triển kinh tế. Bởi thế, các dự án hạ tầng trọng điểm, được kiến tạo từ khát vọng và tinh thần dân tộc mãnh liệt, sẽ là bệ phóng để Việt Nam bứt phá trở thành nước phát triển trong nhóm các nước công nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2045 - cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.