Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi chiều 27.8.2019 tại trụ sở Chính phủ, ông Lim Jock Hoi cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa. Trong đó, ASEAN cần quyết tâm hoàn thành đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm nay và tiến tới ký chính thức vào năm tới.
RCEP là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có Hiệp định tự do thương mại (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Hiện tại Hiệp định này vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước RCEP diễn ra đầu tháng Tám tại Bắc Kinh (Trung Quốc), bộ trưởng thương mại các nước đã tiếp tục khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán các bên trong năm nay.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.
RCEP bao gồm hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, đưa khu vực trở thành một thị trường rộng lớn với 50% dân số, 30% GDP và 28% thương mại toàn cầu. Theo đánh giá của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, RCEP bao gồm các thị trường có nhu cầu cao đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. RCEP cũng bao trùm gần như hoàn chỉnh của chuỗi sản xuất các loại hàng hoá cơ bản như điện thoại, các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép…
Ký kết các FTA như EVFTA, CPTPP,… đang là cách mà Chính phủ tìm kiếm các cơ hội lâu dài cho hàng hoá Việt Nam được xuất khẩu ra toàn thế giới với những ưu đãi về mặt thuế quan. Tuy nhiên, đó cũng là các thách thức mà nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp, phải đối mặt khi bước ra sân chơi toàn cầu.