Gần 9 giờ tối nay 26.2, chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Tại Nội Bài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng dẫn đầu đoàn đón tiếp tổng thống Mỹ. Sau nghi lễ tiếp đón, ông Trump lên xe di chuyển về khách sạn năm sao Marriott.
"Vừa đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Những đám đông khổng lồ và rất nhiều tình yêu mến!", Tổng thống Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân.
Trong ngày hôm nay 26.2, hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Mỹ đều đã lần lượt có mặt ở Hà Nội để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh.

Trước đó, Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong-un đã di chuyển 66 giờ bằng tàu hoả qua 4500 km từ Bình Nhưỡng và đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào sáng nay. Sau đó, ông lên xe ô tô di chuyển về Hà Nội. Khách sạn Melia trên phố Lý Thường Kiệt là nơi lưu trú của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Dự kiến, ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau vào tối mai cho một buổi đối thoại một - một ngắn gọn, sau đó bữa bối xã giao mà mỗi bên có thể đi cùng hai vị khách và các thông dịch viên. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau vào thứ Năm, phát ngôn viên của Nhà Trắng, Sarah Sanders nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One.

Cuộc gặp lần này diễn ra tám tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên tại Singapore, giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo Reuters, hai chủ đề chính được thảo luận trên bàn đàm phán lần này dự kiến sẽ là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và chấm dứt các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
"Chúng ta muốn phi hạt nhân hoá và tôi nghĩ, ông ấy (Kim Jong-un) sẽ có một đất nước thiết lập được nhiều kỷ lục về tốc độ, xét trên khía cạnh của một nền kinh tế", ông Trump tuyên bố trước khi bay tới Việt Nam.
Tổng thống Mỹ không vội vã thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân hoá.“Tôi không vội vàng, tôi không muốn thúc ép bất kỳ ai”, Financial Times dẫn lời phát biểu của ông Trump tại Nhà Trắng hôm Chủ nhật, vài ngày trước khi tổng thống Mỹ bay tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. “Chúng ta hài lòng, chừng nào không có những vụ thử hạt nhân”, ông Trump nói thêm.

Về phía Triều Tiên, quốc gia này đã công khai kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt đối với quốc gia này. Đây sẽ là mục tiêu chính mà Triều Tiên hướng tới trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai này với Mỹ.
Nhưng theo cách hiểu của Triều Tiên, khái niệm phi hạt nhân hóa có thể còn bao gồm việc loại bỏ chiếc ô hạt nhân của Mỹ đối với Hàn Quốc và các sức mạnh hạt nhân.
Một số quan chức ở Hàn Quốc và Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, Triều Tiên đang kêu gọi thay đổi về việc đóng quân của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói vào hôm thứ Sáu tuần trước rằng, việc rút quân của Mỹ ở Hàn Quốc không có trên bàn đàm phán lần này.

Từ lâu, Triều Tiên đã kêu gọi thỏa thuận hòa bình với Mỹ, bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng đóng băng quan hệ tồn tại kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã kết thúc bằng hiệp định đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình.
Washington do dự đặt bút ký một hiệp ước hòa bình toàn diện trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Các quan chức Mỹ tuyên bố có thể sẵn sàng cho một thoả thuận hạn chế nhằm giảm căng thẳng, mở văn phòng liên lạc và tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Đầu năm nay, ông Kim cho biết, Triều Tiên đã sẵn sàng mở lại công viên công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết hay giá cả nào. Hai dự án liên Triều này đòi hỏi ít nhất một phần nới lỏng lệnh trừng phạt để tiếp tục hoạt động.