Tổng Giám đốc WHO: Cần hơn 23 tỷ USD cho kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19

Nguyễn Đăng Bình

29/10/2021 15:03

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/10 thông báo cần tới 23,4 tỷ USD trong 12 tháng tới cho kế hoạch ứng phó COVID-19, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thể hiện vị thế lãnh đạo và chi trả nợ.

tiem-vaccine-o-israel-1635170628.jpg
Tiêm vaccine cho người dân ở Israel

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay khoản tiền tài trợ trên là rất cần thiết để đảm bảo và triển khai vaccine, xét nghiệm và điều trị nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 và ngăn chặn khoảng 5 triệu ca tử vong trong cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19.

Theo ông Tedros,  G20 có khả năng thực hiện các cam kết chính trị và tài chính cần thiết để chấm dứt đại dịch này. Ông cũng hấn mạnh "để chấm dứt đại dịch, các chính phủ, nhà sản xuất và nhà tài trợ cần tài trợ đầy đủ cho chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19 (ACT-Accelerator) của Liên hợp quốc nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ để ứng phó đại dịch.

Theo WHO, chương trình ACT-Accelerator cần khoản tài trợ 23,4 tỷ USD để giúp các quốc gia có nguy cơ cao nhất đảm bảo và triển khai các công cụ ứng phó COVID-19 đến tháng 9/2022. “Con số này không thấm vào đâu so với thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD mà đại dịch gây ra và chi phí cho các kế hoạch kích thích kinh tế để hỗ trợ phục hồi quốc gia.”, WHO cho biết.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-Accelerator là một yêu cầu bắt buộc về an ninh y tế toàn cầu đối với tất cả chúng ta-bây giờ là lúc để hành động."

Cho đến nay, cơ chế  Covax đã phân phối 425 triệu liều tới 144 nước và vùng lãnh thổ, thấp hơn mức kỳ vọng.

Khoảng 1 năm sau khi các chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được triển khai ở các nước phát triển, vấn đề công bằng vaccine vẫn đang là bài toán khi có tới 3/4 số lượng vaccine được sản xuất thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình.

Cảnh báo được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo các nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới đang diễn ra ở Berlin (Đức), rằng "chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro," càng bộc lộ một nghịch lý là trong khi ở một số nước phát triển, hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng bị vứt bỏ thì ở nhiều nước nghèo, người dân chờ đợi hàng tháng vẫn chưa có vaccine để tiêm.