Trưa 13/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết đã có kết quả xét nghiệm Real-time RT-PCR SARS-CoV-2 cho 887 nhân viên, trong đó có 834 ca âm tính và phát hiện 53 trường hợp dương tính.
Hiện 53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa nhiễm A và D.
Điều đáng quan tâm là 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ 2 liều.
Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đang phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính sau khi đã tiêm vắc xin nhằm đánh giá hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19.
Ba ngày trước, xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện, tất cả đều có kết quả âm tính.
Cụm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được phát hiện từ ngày 11/6, khi một nhân viên phòng công nghệ thông tin có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm dương tính nCoV. Bệnh viện đã khẩn trương sàng lọc, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang điều trị cho 94 trường hợp mắc Covid-19 (bao gồm 53 nhân viên y tế của bệnh viện), trong số đó có 35 trường hợp nguy kịch đã hiện hữu từ các ngày trước (18 trường hợp ở Khoa Hồi sức cấp cứu người lớn và 17 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp ở Khoa Nhiễm D).
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 của Anh. Có khoảng 900 người, là nhân viên các khoa, phòng, ban của bệnh viện được tiêm và đến nay tất cả đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin. Được biết đợt 1 tiêm từ ngày 8-3-2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4-2021.
Việc các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tiêm vắc xin Covid-19 rồi nhưng vẫn nhiễm virus SARS - CoV-2 khiến nhiều người thắc mắc, lo lắng, băn khoăn.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không.
Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh.
"Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc-xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác", PGS TS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền, giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thì không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh. Một khảo sát trên dân số Anh đã chủng ngừa từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, vắc xin Covid-19 AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ 60% sau 28 ngày. Theo công bố trên tạp chí The Lancet, vắc xin AstraZeneca giúp giảm các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nặng.
"Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu ghi nhận tỷ lệ 5-10% trường hợp xét nghiệm dương tính, thì không phải do tiêm chủng thất bại", giáo sư Hiền cho biết.
Còn theo TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy loại vắc xin.
"Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh", TS Phạm Quang Thái cho biết.
Trước đó, Bộ Y tế vừa công bố danh sách 36 công ty được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin Covid-19, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vắc xin.
Dưới đây là một số công ty được cấp phép của Bộ Y tế:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn: Số 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn DKSH Pharma Việt Nam: Số 23, đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh: Số 181 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1: Số 1 Yersin, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanofi-Aventis Việt Nam: Số 10 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer (Việt Nam): Tầng 13, TNR Tower, 180-192 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson (Việt Nam): Tầng 12, tòa nhà Vietcombank, số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam: Số 138 Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam: Tầng 18, tòa nhà A&B, số 76 đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế: Số 135 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội...
Trần Quốc Quỳnh (Bình Phước)
19:12 13/06/2021
Người dân vẫn còn chủ quan lắm, cứ nghĩ sẽ có vắc xin sẽ an toàn.