Thuế quan 46% ảnh hưởng nặng đến kinh tế Việt Nam, nhưng FDI từ Mỹ sẽ không rút đi

Thuỳ Linh

04/04/2025 09:32

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết việc Mỹ áp thuế quan cao với hàng hóa Việt Nam sẽ gây tổn hại đến sức mua của người tiêu dùng Mỹ và gián tiếp tác động tiêu cực đến tăng trưởng, việc làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện AmCham khẳng định thuế quan sẽ không khiến các nhà đầu tư Mỹ rút khỏi Việt Nam, bởi quốc gia này vẫn là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) vừa tổ chức buổi gặp gỡ báo chí nhằm chia sẻ về những ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ đến nền kinh tế Việt Nam, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, nhấn mạnh rằng sau hơn ba thập kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ kinh tế, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng ngoạn mục từ mức khiêm tốn 451 triệu USD năm 1993 lên tới khoảng 150 tỷ USD vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

anh-chup-man-hinh-2025-04-04-luc-93014-sa-1743733420.png
Ông Adam Sitkoff tại buổi họp báo.

Theo ông Adam, thành tựu ấn tượng này có được không thể không kể đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp thành viên AmCham. Những doanh nghiệp này đã rót hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp và hàng trăm nghìn việc làm gián tiếp, đồng thời đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước thông qua thuế.

Bên cạnh vai trò là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Điều này tạo nên một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ, mà theo ông Adam, “không chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi mà còn cả người dân hai nước”.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đang đứng trước thử thách khi Mỹ áp dụng mức thuế quan cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, lên đến 46%. Ông Adam gọi cách tính thuế quan này là "giống như một bài tập của học sinh trung học", ngụ ý rằng nó thiếu cơ sở thực tiễn và không phản ánh đúng bản chất thương mại toàn cầu. Dù được ban hành dưới thời Tổng thống Donald Trump với mục tiêu bảo vệ sản xuất nội địa, chính sách này lại gây ra những hệ lụy không nhỏ cho cả hai phía.

Theo ông Adam, việc tăng thuế nhập khẩu sẽ kéo theo sự gia tăng giá cả hàng hóa tại thị trường Mỹ, khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi tiêu thận trọng hơn. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng có thể giảm, ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Việt Nam. “Ví tiền của người dân Mỹ nhỏ lại, thay vì mua ba đôi giày, họ chỉ mua hai. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

ac-1743733522.jpeg
Việt Nam là quốc gia có vị trí thuận lợi, có lực lượng lao động có tay nghề cao.

Liên quan đến việc Mỹ áp mức thuế cao đến 46% có dẫn tới làn sóng rút vốn FDI khỏi Việt Nam hay không, ông Adam khẳng định chắc chắn: “Không, không phải vậy”. Theo ông, các công ty Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam trong thời gian dài và họ có những kế hoạch đầu tư lâu dài. Dù phải đối mặt với một số khó khăn do thuế quan, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược, lực lượng lao động có tay nghề và môi trường chính trị ổn định.

Ông Adam cũng chỉ ra rằng, việc di chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất từ Việt Nam sang Mỹ hay một nước khác như Australia là điều không khả thi trong ngắn hạn. “Hãy thử nghĩ đến việc chuyển cả dây chuyền sản xuất giày Nike hoặc Adidas từ Việt Nam về Texas – đó là một việc vừa tốn kém, vừa phức tạp, và không ai muốn làm trừ khi bắt buộc”, ông nói.

Với vai trò là đại diện doanh nghiệp, ông cho biết các công ty Hoa Kỳ luôn hướng đến việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Do đó, Việt Nam – nơi hội tụ đủ điều kiện để thực hiện mục tiêu này – vẫn là một lựa chọn hàng đầu.

Đáng chú ý, ông Adam cho rằng vẫn còn nhiều hy vọng cho việc đàm phán nhằm giảm mức thuế quan này. “Tôi tin Tổng thống Trump yêu quý Việt Nam và người dân nơi đây. Trong nhiệm kỳ đầu, ông ấy đã hai lần đến thăm Việt Nam và tôi tin ông ấy sẽ quay lại. Tôi không cho rằng đây là hành động tiêu cực nhắm vào Việt Nam”, ông chia sẻ.

AmCham cũng ghi nhận những nỗ lực nghiêm túc từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại và tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp phải tại thị trường Việt Nam. Sự chủ động, linh hoạt và cầu thị trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam được đánh giá cao và là cơ sở để tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Về lâu dài, ông Adam cho rằng để giữ vững năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu biến động, Việt Nam cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời xây dựng chính sách cởi mở và hỗ trợ doanh nghiệp. “Chính phủ cần đảm bảo rằng môi trường kinh doanh không trở nên nặng nề hơn khiến các nhà đầu tư cảm thấy không được hoan nghênh”, ông cảnh báo.

Ông Adam kết luận rằng dù đang đối mặt với một số thách thức do chính sách thuế quan, nhưng nền tảng quan hệ thương mại vững chắc và sự cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía là những yếu tố giúp Việt Nam tiếp tục duy trì sức hút đối với các nhà đầu tư Mỹ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam để đảm bảo mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước phát triển bền vững, hiệu quả và đôi bên cùng có lợi”, ông khẳng định.

Thuỳ Linh