Thực trạng và giải pháp cho lý luận, phê bình sân khấu hôm nay

Mai Phương

11/06/2024 13:23

Nằm trong dòng chảy chung của văn học, nghệ thuật, thực trạng và giải pháp cho lý luận, phê bình sân khấu là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn cần được quan tâm bởi nó là một bộ phận cấu thành của nghệ thuật sân khấu. 

Sáng 11/6 tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay”. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Trần Trí Trắc - Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng: “Ngành lý luận, phê bình sân khấu là ngành khó và trở thành một nhà lý luận, phê bình sân khấu lại càng khó hơn. Nghệ thuật sân khấu hôm nay và mai sau không thể không có lý luận, phê bình sân khấu và thiếu lý luận, phê bình sân khấu - là một khiếm khuyết lớn của tất cả những ai tạo nên nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam”. 

pgs-ts-tran-tri-trac-pld-1718087017.jpg
PGS. TS Trần Trí Trắc - Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

PGS. TS Trần Trí Trắc cũng cho hay, ở Việt Nam, ngành lý luận, phê bình sân khấu chưa có truyền thống. Sự hiện diện của nó, hôm nay cũng không thể gọi là chuyên nghiệp hoàn toàn và còn rất non trẻ. Nó mang tính phong trào, tự do, cảm hứng, có cũng tốt, không có cũng chẳng sao. Những ai đã được gọi là “nhà lý luận, phê bình” thì cũng nhận thấy mình chưa xứng đáng với danh hiệu đó. Vì họ chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn của mình. Bài viết của họ có công phu đến mấy, đăng trên báo thì cũng chỉ được ít tiền nhuận bút, không tương xứng với giá trị của cái “đầu vào”. 

Cho nên, có thể nói, một nhà lý luận, phê bình tài năng dù phải làm việc cật lực suốt đời, thì cũng không thể thu được số tiền nhuận bút bằng một tác giả bình thường trong một vở diễn bình thường. Do đó, nhiều người được đào tạo làm nghề lý luận, phê bình sân khấu hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, thì sớm muộn cũng phải “chạy làng” sang những ngành khác để tồn tại như dạy học, sáng tác, đạo diễn và đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Thực trạng của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hôm nay, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) đã chỉ rõ: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện sơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác... Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...”.

ly-luan-phe-binh-pld-1718087017.jpg
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay”.

Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà nghiên cứu và các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ Hội Sân khấu Hà Nội đã trình bày tham luận để đưa ra các quan điểm, thực trạng và giải pháp để tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của lý luận phê bình sân khấu cũng như nghệ thuật sân khấu hôm nay.

Theo Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh, nghệ thuật sân khấu của đất nước ta hiện nay đang gặp không ít khó khăn: những đêm diễn của sân khấu chuyên nghiệp thưa thớt khán giả; đa phần các vở diễn đều là “chuyện cũ tích xưa” còn vắng thiếu những vở diễn phản ánh cuộc sống đương đại (đề tài hiện đại); đội ngũ người làm công tác lý luân phê bình hiện nay rất mỏng, mỏng ngay từ khâu đào tạo cho đến hoạt động thực tiễn; các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp từ Bắc tới Nam, từ Trung ương tới địa phương, ngay cả Thủ đô Hà Nội đều không có cán bộ chuyên làm công tác lý luận, phê bình; các cơ quan tổ chức và quản lý Nhà nước chưa chú ý đào tạo, bồi dưỡng và định biên chế cán bộ làm công tác lý luận, phê bình ở các Sở Văn hóa, ở các Nhà hát và các Hội Văn nghệ…

dao-dien-nsut-trinh-quang-khanh-pld-1718087017.jpg
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh.

Từ những khó khăn đã nêu, Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất, cùng với các cuộc Hội thảo, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Sân khấu Hà Nội nên chủ động làm việc với Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội và các trường Nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô để các cơ quan đó chú trọng nhiều hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, phê bình.

Thứ hai, để đảm bảo tính khách quan trung thực, tránh sự “tụng ca” hoặc phán xét thiếu khách quan từ khâu kịch bản, công tác dàn dựng đến nghệ thuật biểu biểu, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nên bố trí kinh phí để Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức được từ 1 - 2 cuộc tọa đàm mang tính lý luận, phê bình mỗi khi các Nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp Thủ đô  ra vở diễn mới. 

Thứ ba, Tạp chí “Người Hà Nội” của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nên có những chuyên trang về lý luận, phê bình sân khấu - loại hình nghệ thuật đang gặp không ít khó khăn khi đang vắng thiếu người xem.

Mai Phương