Thực trạng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội: Cần luật hóa các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm

Hoàng Thăng - Lê Pháp

19/05/2023 14:41

Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp dường như đang “ngó lơ” các quy định này.

Mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này, thậm chí, gắn rõ trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, nhưng kết quả đạt được vẫn không chạm đến mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm tại nhà ở riêng lẻ của các hộ dân cũng diễn ra tràn lan và đây là đối tượng gây nhiều khó khăn cho cả cấp chính quyền lẫn lực lượng chức năng khi xử lý hành vi vi phạm, xảy ra nhiều khiếu kiện, chống đối.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên địa bàn Hà Nội? Dư luận rất cần các cấp chính quyền thành phố, các sở ngành chức năng xác định đúng nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, tập thể liên quan. Trên cơ sở đó, Hà Nội phải đưa ra được lộ trình, biện pháp khắc phục cụ thể, kiên quyết hơn nữa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị thời gian tới.

Tòa soạn Nhà Quản Lý tiếp tục triển khai Chuyên đề “Thực trạng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó, từ những sự việc điển hình, sẽ cung cấp cho độc giả góc nhìn tổng thể về những vi phạm trong trật tự xây dựng, việc xử lý cũng như giải pháp để dần tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc.

Trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã và lãnh đạo địa phương về quản lý trật tự xây dựng (TTXD) được thể hiện vô cùng chi tiết và đầy đủ trong Quyết định 04/2019/QĐ-UBND Hà Nội về Quy định quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, tại Điều 5. Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện của Quy định ghi rõ:
1. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.
c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng.
d) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; Cung cấp các thông tin về quy hoạch, giấy phép xây dựng và các thông tin liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
đ) Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Xem xét, giải quyết kiến nghị chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện.
e) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Sở Xây dựng để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
g) Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, pháp luật về trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan.
h) Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, cơ sở vật chất cho Đội quản lý trật tự xây dựng và các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
i) Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
k) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong việc nhận xét, đánh giá Trưởng phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo yêu cầu về công tác quản lý cán bộ.
l) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất đầy đủ và chính xác về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Xây dựng.
m) Căn cứ Quyết định này, UBND cấp huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND cấp xã, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều này.
b) Kiểm tra, giám sát Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
c) Xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.
d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
đ) Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.
e) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Những sai phạm về TTXD thường gặp trên địa bàn Hà Nội

Về cơ bản, sai phạm về TTXD trên địa bàn Hà Nội thường thuộc 4 nhóm sau đây:

- Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng; 

- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp; 

- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh; 

- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).

Trong đó, các công trình xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500 và không phép thường diễn ra phổ biến nhất. Đáng chú ý, loạt sai phạm thường xảy ra mang tính hệ thống có nơi xây dựng thành các khu dân cư hàng vài trăm hộ, kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chính quyền cũng không thể xử lý được điển hình như tại phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), phường Bồ Đề (quận Long Biên) hay phường Hạ Đình (quận) ...

Nhiều khu dân cư theo quy hoạch đô thị được phê duyệt là đất ở, nhân dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng chính quyền không giải quyết được vì những khu dân cư này xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí là không được cấp giấy phép xây dựng kể cả giấy phép xây dựng tạm. Vì do nhu cầu thiếu nơi ở, người dân vẫn tiếp tục xây dựng dưới nhiều hình thức mà chính quyền cơ sở không xử lý được.
Vẫn tồn tại nhiều công trình phá vỡ quy hoạch của Thành phố

Quy định là vậy, tuy nhiên vẫn xuất hiện nhiều công trình xây dựng, cải tạo có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng về chiều cao, mật độ, tum biến tướng, thay đổi kết cấu công trình, gia tăng công năng sử dụng... dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch các tuyến phố của Thủ đô. 

Đơn cử, theo phản ánh của người dân về công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) vẫn còn hàng loạt công trình xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng không thấy chính quyền buộc dừng thi công, xử phạt, hoặc có biện pháp xử lý, cưỡng chế… như công trình cạnh nhà 19A ngách 460/37 (ngay sau tòa A1, chung cư Hạ Đình – Kim Giang) được quây bạt kín mít cũng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện; công trình 92 Khương Đình được xây dựng bằng nhà khung thép lên đến 3 tầng, vẫn đang tiếp tục xây dựng, được người cho biết chưa được cấp phép về xây dựng.

Công trình 152 Khương Đình đã được cho xây dựng lên đến 6 tầng, 1 hầm, tum chồng tum, phần tum dưới được xây dựng tràn ra gần thành tầng, mật độ lên đến 100%, từ tầng 2 công trình được xây dựng đua ra lấn chiếm khoảng không.

Tại công trình 14 ngõ 460/44 đường Khương Đình, theo phản ánh của người dân mặc dù chỉ được cải tạo, sửa chữa nhà, thế nhưng chủ nhà trên đã cho xây dựng thêm 1 tầng.

Nằm ngày mặt đường Nguyễn Xiển, khu vực ngõ 250 Nguyễn Xiển đến chung cư Eco Green và gần ngõ 171 Nguyễn Xiển, từ nhiều năm nay đang tồn tại hàng chục cửa hàng, kiot xây dựng trái phép kinh doanh salon ô tô; mặt hàng điện nước… tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn PCCC và gây ô nhiễm môi trường.

cac-cong-trinh-vi-pham-trat-tu-xay-dung-tren-dia-ban-phuong-ha-dinh-quan-thanh-xuan-nhanh-chong-duoc-hoan-thien-pld-1684313710.jpg

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân nhanh chóng được hoàn thiện.

Trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cũng ghi nhận nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao, biến tum thành tầng hoặc sai diện tích của tum… như:  Công trình nằm sát bên số1 ngách 193/32/1 Bồ Đề, công trình này được cấp phép với mật độ 86% diện tích xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã cơi nới xây thêm phần phía trước công trình, tiếp đó là công trình 7 tầng đầu ngách 25/3 Lâm Hạ, với chiều cao “vượt trội” so với các công trình xung quanh, mật độ xây dựng gần 100%, hay như công trình số 2 ngõ 135 Hoàng như tiếp xây 6 tầng 1 tum phá vỡ quy hoạch đô thị, Công trình 7 tầng cuối ngách 111/2 Lâm Hạ, hay như công trình 6 tầng 1 tum tại 34 ngách 33/1 phố Hoàng Minh Đạo đều có dấu hiệu sai phạm.

cong-trinh-tai-pho-lam-ha-pld-1684313808-1684378617.png
Công trình tại ngách 11/1 phố Lâm Hạ.
cong-trinh-tai-ngo-27-pho-lam-ha-phuong-bo-de-vat-lieu-xay-dung-nuot-chon-via-he-pld-1684313807-1684378617.png
Công trình tại ngõ 27 phố Lâm Hạ, phường Bồ Đề - vật liệu xây dựng “nuốt” chọn vỉa hè.
cong-trinh-dang-xay-dung-tai-292-nguyen-van-cu-phuong-bo-de-pld-1684313808-1684378617.png
Công trình đang xây dựng tại 292 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề
long-bien-pld-1684313807-1684378617.png
 
mot-diem-trong-giu-xe-duoc-xay-dung-tren-dat-du-an-benh-vien-pld-1684313713-1684378618.png
Một điểm trông giữ xe được xây dựng trên đất Dự án bệnh viện tại lô C2-2/CCK02, phường Bồ Đề, thuộc quận Long Biên.

Còn tại Quận Hoàng Mai (Hà Nội), trên địa bàn phường Vĩnh Hưng có nhiều trường hợp vi phạm trật tự xay dựng cũ chưa được xử lý dứt điểm thậm chí xuất hiệu vi phạm mới. Đáng chú ý, tình trạng các bãi trông giữ xe có dấu hiệu sai phép được dựng lên kín đáo với vách tôn, rào sắt, có mái che. Các bãi trông giữ xe này đều không có biển báo chữ "P" hay “Điểm trông giữ xe” theo quy định. Qua quan sát có thể thấy các cơ sở này đều không đủ điều kiện đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.

Người dân tại đây cho biết, các bãi xe này "mọc" lên trên đất nông nghiệp, thế nhưng vẫn tồn tại và hoạt động lâu nay mà chẳng hề gì.

cac-cong-trinh-bai-do-xe-tu-phat-duoc-quay-ton-rao-sat-khong-co-bien-phap-phong-chong-chay-no-pld-1684313711.jpg

Các công trình, bãi đỗ xe tự phát được quây tôn, rào sắt không có biện pháp phòng chống cháy nổ.

Có thể thấy, vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra rất phổ biến và theo một quy trình hay công thức không mới. Đó là tổ thanh tra xây dựng lập biên bản vi phạm đề nghị xã, phường ra quyết định xử lý hành chính, để rồi công trình tồn tại cùng thời gian. Hoặc, với những vi phạm chướng tai gai mắt dư luận mới bị giải tỏa, "cắt ngọn" hay "giật cấp" công trình.

Bài học trong công tác quản lý đất đai

Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được các cấp lãnh đạo các thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên các địa bàn nói chung bắt nguồn từ đâu? Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...

Thực trạng về câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nói riêng trong nhiều năm qua đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc, đến rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.

Hoàng Thăng - Lê Pháp