Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh

Trung Kiên (t/h)

15/07/2021 17:56

Kết luận Hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành phố phía nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 mục tiêu quan trọng trong thời gian tới và chỉ đạo các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp hơn.

 Thủ tướng yêu cầu tận dụng tối đa những “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” khi đang thực hiện cách ly, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để mang lại cuộc sống bình thường, bình yên cho nhân dân.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 mục tiêu quan trọng trong thời gian tới và chỉ đạo các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía nam từ Phú Yên đến Cà Mau về những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19 trước bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các địa phương này tiếp tục diễn biến phức tạp.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu rõ 6 mục tiêu trong thời gian tới. Theo đó, quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống; tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kiểm soát chặt chẽ biên giới và các khu cách ly, phong tỏa.

Nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường. Bảo vệ vững chắc các nhà máy, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và toàn quốc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành bám sát các mục tiêu này, căn cứ tình hình cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Về các nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm.

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất, xuyên suốt. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phải được tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, đủ dũng cảm, có đủ khả năng quyết định những vấn đề có tính chất đột phá, đột xuất, bất ngờ. Các địa phương phải thực hiện giao ban hằng ngày để nắm bắt tình hình, dự báo, rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chống dịch, biểu dương những người làm tốt, xử lý kịp thời những người làm chưa tốt.

Thứ hai, cấp uỷ, chính quyền phải bám sát, nắm chắc, dự báo đúng tình hình để chỉ đạo quyết liệt và quyết định các biện pháp phù hợp. “Khi nào quyết định áp dụng biện pháp gì, ở đâu, bao lâu phải rất cụ thể. Khi đã quyết định thì phải chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện thật nghiêm, kiểm tra giám sát thật chặt chẽ, không được buông lỏng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ: Càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm, càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe để đưa ra quyết định phù hợp với tình hình, hợp lòng dân, có tính khả thi cao, hiệu quả rõ rệt. Từ đó, bổ sung các biện pháp phù hợp với thực tế, có hiệu quả, kể cả các biện pháp cao hơn quy định của Trung ương, Bộ Y tế. Mọi quy định chưa thể phủ hết các vấn đề đặt ra trong phòng, chống dịch, do vậy các địa phương phải linh hoạt sáng tạo để thực hiện.

Thứ ba, các địa phương có nhiều nguồn lây thì phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể, sớm ổn định tình hình. Những nơi an toàn và đủ điều kiện có thể chỉ đạo tập trung cho sản xuất. Sản xuất an toàn cũng để chống dịch và chống dịch tốt cũng để giúp phát triển sản xuất

Thứ tư, những địa phương có ít ca nhiễm thì tập trung dập dịch, không để lây lan, bùng phát diện rộng, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời tận dụng mọi cơ hội có thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo tinh thần “3 tại chỗ”.

Thứ năm, các tỉnh phải thành lập các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi khi người dân cần trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thứ sáu, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành với địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm giao thông thông suốt, không để ách tắc vận tải hàng hoá. Bộ Công Thương bảo đảm cung ứng, phân phối hàng hoá đầy đủ. Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm hoạt động thông suốt các công cụ công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường sản xuất hàng hoá, cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân đang thực hiện giãn cách xã hội. Bộ Y tế đáp ứng các yêu cầu liên quan đến bảo đảm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chống dịch, nhân lực y tế… Bộ Tài chính tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thủ tục đấu thầu, đấu giá. Các bộ ngành nếu cần thiết có thể lập bộ phận chỉ huy tiền phương, dứt khoát không thể tình trạng thiếu hụt cục bộ, ách tắc cục bộ, khó khăn cục bộ.

Thứ bảy, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thông tin sai lệch, kích động.

Thứ tám, các địa phương căn cứ vào quy định của Điều 22 Luật Đấu thầu để thực hiện mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch. “Lãnh đạo các địa phương phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thẩm quyền, đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân lên trên hết, trước hết, vì lợi ích chung để quyết định làm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần gương mẫu”, Thủ tướng nói.

Thứ chín, các địa phương chủ động hơn nữa trong chuẩn bị nguồn lực về con người, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, tay nghề để đáp ứng yêu cầu chống dịch sát với tình hình thực tế.

Thứ mười, các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu hơn, không để bị động, lúng túng; cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung cho phòng, chống dịch, mua trang thiết bị, bồi dưỡng cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, tập trung cho mua vaccine.

Thủ tướng đề nghị các địa phương phát huy những điểm tốt trong thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, tiếp tục bổ sung các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Các tỉnh có báo cáo hằng ngày để thấy hiệu quả đến với người dân như thế nào, nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt. Tận dụng nguồn lực tiết kiệm dành cho việc phòng chống dịch để xử lý những vấn đề phát sinh mà quy định chưa có.

Mười một, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 hay những biện pháp cao hơn, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên tuyên truyền, vận động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để giảm bớt những khó khăn, bức xúc cho người dân. Thông tin về dịch bệnh phải nhanh chóng, kịp thời, có phân tích, đánh giá để người dân hiểu đúng, tin tưởng và tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.

Mười hai, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp… “bảo vệ an toàn các pháo đài này từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K+vaccine.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, để có hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, tập trung trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy trong phòng, chống dịch cùng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thực hiện bằng được mục tiêu nhanh chóng, kịp thời kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đưa lại cuộc sống bình yên, trạng thái bình thường cho nhân dân, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép.

Trung Kiên (t/h)