Với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công ty bất động sản, công chúng đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 2024 tiếp tục là một năm mà bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường. Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho hay, xu hướng gần đây, một số nước đã triển khai các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Điều này làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.
Cùng với đó, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp… Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…
“Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lạm phát tính đến hiện tại tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát có thể nhích lên một chút trong thời gian tới tuy nhiên sẽ bình ổn. “Tín dụng hiện nay tăng 2,41%, thấp hơn so với mức 3,27% cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng trưởng tín dụng này phù hợp với sức cầu của nền kinh tế. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 12,3%. Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm đáng kể” – TS. Cấn Văn Lực dự báo.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng có 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.
Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở một số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Ngoài ra cần lưu ý đến các yếu tố như rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu và biến đổi khí hậu bất thường.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ cùng những thách thức và cơ hội; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Cũng trong chương trình, Ban tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 25 đơn vị; trao 35 cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu với 6 hạng mục (dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo; nhà phát triển bất động sản có giải pháp tài chính toàn diện).