Dự Viên, khu vườn có từ thế kỷ 16 với tổ hợp kiến trúc mái ngói đặc trưng và hồ vọng cảnh, tọa lạc ở trung tâm Thượng Hải, đã được trang trí lung linh chuẩn bị cho dịp tết cổ truyền. Lồng đèn đầy màu sắc treo dọc lối đi, bánh bao chất ngất trên quầy hàng, hàng tá nhân viên an ninh đứng sẵn hai bên lối vào sẵn sang hướng dẫn đám đông. Chỉ có một thứ còn thiếu: người tham quan. Vì lo sợ virus Corona, họ đều ở nhà. “Hôm nay chỉ cần bán được vài món thôi là tốt lắm rồi”, Li Xinming, quản lý tại một cửa hàng khăn lụa cho biết. Năm ngoái, Dự Viên thu hút 700.000 khách tham quan chỉ trong tuần nghỉ tết - mùa cao điểm của khu vườn và thương nhân ở đây. Năm nay, ông Li nói rằng thua lỗ có thể ăn mòn doanh thu trong nhiều tháng tới.
Câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc, cũng như cho nhiều công ty và quốc gia trên thế giới liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc, đó là liệu những khó khăn của ông Li có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều không. Tình huống tham khảo dễ thấy nhất là trận chiến của Trung Quốc với SARS, một loại virus Corona khác vào năm 2003. Tăng trưởng kinh tế tuy chậm lại ở đỉnh điểm của dịch SARS nhưng đã nhanh chóng hồi phục sau khi nước này ngăn chặn được dịch. Các đợt dịch bệnh khác gần đây cũng khiến người ta tin rằng, miễn là còn các bác sĩ giỏi chống dịch, thì các nhà kinh tế không nên quá lo lắng. Cả dịch cúm gia cầm năm 2006 lẫn cúm lợn năm 2009 cũng không làm lu mờ được triển vọng kinh tế sáng sủa của toàn cầu.
Dẫu vậy, thậm chí cả những nhà đầu tư sắt đá nhất cũng tự hỏi liệu dịch bệnh mới này có thể tồi tệ hơn không. Chứng khoán ở Trung Quốc đã sụt giảm gần 10% khi các ca nhiễm được xác nhận tăng dần. Các cơn động chấn cũng đã lung lay nhẹ nhiều thị trường trên thế giới.
Các nhà kinh tế ít lo lắng về độ nguy hiểm của virus lần này thì ít (vì tỉ lệ gây tử vong của loại này thấp hơn SARS), mà lo phần nhiều là vì không biết Trung Quốc thực sự làm gì và mất bao lâu để khống chế dịch. Và sự gián đoạn hoạt động ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chắc chắn để lại hậu quả toàn cầu. Như các nhà phân tích của công ty tư vấn Gavekal Dragonomics đã viết: “Không phải sợ mắc bệnh, mà sợ không trị được bệnh”. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, đến 90% thiệt hại kinh tế do dịch bệnh bắt nguồn từ nỗi sợ phải tiếp xúc với người khác, dẫn đến việc đóng cửa các văn phòng và cửa hàng. Ở Trung Quốc, tình hình còn trầm trọng thêm do chính sách của chính phủ là phong tỏa các vùng bị ảnh hưởng và giới hạn tiếp xúc giữa người với người trên khắp cả nước. Trong khi các chuyên gia y tế công cộng còn tranh luận xem liệu đây có phải cách làm đúng, thì các nhà kinh tế đã phải đong đếm thiệt hại.
Vùng đang phải chịu tác động trực tiếp nhất là tỉnh Hồ Bắc. Đầu tiên là Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc, được lệnh phong tỏa. Sau đó là nguyên cả tỉnh, nơi có gần 60 triệu người trú ngụ, cũng bị phong tỏa. Ngoại trừ những xe tải chở thức ăn và vật tư y tế, ít đồ được vào và ít người được phép ra khỏi các thành phố và ngôi làng của tỉnh này. Sự cô lập trên diện rộng đến mức này là một chiến lược y tế công cộng chưa từng có. Tất cả các hoạt động kinh tế, chỉ trừ mỗi dịch vụ bệnh viện và chiếu phim trực tuyến, đã phải dừng hoàn toàn. Hồ Bắc đóng góp 4,5% vào GDP của Trung Quốc, nên việc ngừng kinh doanh này sẽ để lại thâm hụt không nhỏ.
Các thành phố khác ở Trung Quốc có thể không bị đặt dưới lệnh phong tỏa, nhưng đối với cư dân ở đây, cuộc sống cũng ngột ngạt không kém. Thay vì tụ họp với gia đình và bạn bè, đi lễ chùa hay đi ăn nhà hàng, tùy thuộc vào nơi đang sống, thì người dân – mấu chốt làm nên dịp tết, tất cả đã tự nguyện đóng cửa ở trong nhà. Chính phủ đã và đang đề nghị người dân tránh tụ tập đông người; nhiều người thì cần thúc ép một chút mới thực thi nghiêm túc.
Chính sách đối phó này sẽ kìm hãm tiêu dùng. Mức độ thiệt hại phụ thuộc vào việc ngăn chặn virus nhanh hay chậm, tuy nhiên, thời điểm ngăn chặn tốt nhất đã bị bỏ lỡ. Năm trước, doanh thu bán lẻ đã vượt 144 tỉ USD trong tuần nghỉ tết, nhiều hơn một phần ba so với doanh thu một tuần bình thường. Năm nay, doanh thu chắc chắn sẽ giảm nhiều.
Một số ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Năm ngoái, kỳ nghỉ tết này chiếm 8% doanh thu rạp chiếu phim của Trung Quốc. Năm nay, hầu như toàn bộ 11.000 rạp chiếu phim của nước này đóng cửa. Năm ngoái, chi tiêu cho du lịch nội địa trong tuần nghỉ tết lên đến hơn 500 tỉ nhân dân tệ, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của năm. Năm nay, vì lo ngại virus, người dân đã hủy hết các chuyến du lịch.
Cũng có lo ngại về việc virus sẽ tác động đến các nhà máy và công sở như thế nào. Một vài trung tâm kinh tế lớn, bao gồm thành phố Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông, đã kéo dài lịch nghỉ tết thêm một tuần, yêu cầu các công ty đợi đến ngày 10.2 mới bắt đầu làm lại. Các doanh nghiệp Trung Quốc vốn luôn chậm trở lại nhịp độ làm việc sau tết. Nghỉ thêm một tuần khiến họ càng ù lì hơn, thậm chí nếu vài công ty như Tencent, gã khổng lồ công nghệ, để nhân viên làm việc tại nhà. Hơn nữa, hàng chục triệu lao động nhập cư, đã trở về quê nhà để nghỉ lễ, có thể sẽ muốn chờ dịch bệnh giảm bớt trước khi chen chúc trên tàu hỏa và xe khách để trở lại nơi làm.
Đồng cảm với nỗi đau
Một điểm khác biệt cốt yếu khi so sánh với dịch SARS là tầm quan trọng của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Năm 2003, Trung Quốc tạo ra 4% GDP toàn cầu. Năm ngoái, tỉ lệ này là 16%. Việc tiêu thụ giảm và sản xuất gián đoạn sẽ không chỉ dừng ở biên giới quốc gia này.
Các quốc gia đã quen với các đoàn khách du lịch chịu chi của Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn to lớn. Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh tất cả các đoàn du lịch phải dừng hoạt động cho đến khi virus được ngăn chặn. Ở Thái Lan, các nhà chức trách dự đoán con số khách du lịch Trung Quốc sẽ giảm từ 9 triệu xuống còn 2 triệu trong năm nay, làm giảm doanh thu du lịch xuống khoảng 1,5 tỉ USD. Giá cổ phiếu các hãng hàng không đã lao dốc; trong khi các đợt dịch bệnh trước vốn đã gây ra, dẫu chỉ là tạm thời, sự sụt giảm lượng hành khách, và Trung Quốc là thị trường có khách du lịch đến các nước khác lớn nhất thế giới.
Các công ty từng phất lên nhờ tầng lớp trung lưu đang phình lên nhanh chóng của Trung Quốc cũng dễ bị dịch bệnh tác động. Starbucks hiện tạm đóng cửa hơn nửa trong số 4.292 cửa hàng cà phê của mình ở Trung Quốc.
Hiếm có tiếng bước chân trong những cửa hàng còn mở cửa, khách quen chỉ đến khi họ mang khẩu trang. Tia sáng hiếm hoi chỉ dành cho các công ty bán khẩu trang như 3M. Disney đã đóng cửa công viên giải trí ở Thượng Hải trong kỳ nghỉ tết, một trong những tuần lễ đông khách nhất năm (như thêm dầu vào lửa, Trung Quốc vừa mới bước vào năm Tí và từ này nghĩa là chuột, một cơ hội marketing tốt cho thương hiệu mà Disney xây dựng).
Các nhà máy đóng cửa sẽ làm tuột dốc nền kinh tế toàn cầu. Vũ Hán là một đầu mối trung chuyển của ngành sản xuất, đặc biệt là cho ngành ô tô. Nissan, Honda và GM đều có công xưởng ở đây. Bloomberg đã xếp hạng Vũ Hán đứng thứ 13 trong số 2.000 thành phố của Trung Quốc vì vai trò của thành phố này trong các chuỗi cung ứng. Một công ty địa phương, Công ty cáp quang và cáp điện Dương Tử, là nhà sản xuất dây dẫn truyền dữ liệu khắp hành tinh.
Thậm chí nếu việc ngừng làm việc ở các vùng khác ở Trung Quốc có ngắn ngày hơn, việc này cũng cũng vẫn sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt các ngành nghề. Một số là ngành trọng yếu; gần 80% các thành phần hoạt tính để điều chế tất cả các loại dược liệu là đến từ Trung Quốc. Một số ngành khác ít quan trọng hơn; Trung Quốc cung cấp 90% hoa nhựa cho thế giới. Cổ phiếu của Foxconn, doanh nghiệp sản xuất điện thoại cho Apple, đã giảm 10%.
Nhiều công ty trước đó đã cố gắng giảm phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Dịch virus này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, ngoài chính trị, việc đa dạng hóa nhà cung cấp đúng là một chính sách bảo đảm tốt. Nhưng câu chuyện năm trước cũng cho họ bài học rằng việc chuyển đổi nhà cung cấp khó thế nào; bất chấp căng thẳng với Mỹ, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc vẫn tăng. Các công ty sẽ phải chật vật để tìm nhà cung cấp thay thế cho lực lượng sản xuất của mình.
Tóm lại, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn khởi đầu đầy u ám của năm Canh Tí, và điều này sẽ phủ bóng đen lên toàn thế giới. Theo ông Trần Long từ công ty tư vấn Plenum, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 2% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, và so với tăng trưởng 6% của quý cuối cùng năm 2019. Nhưng ông cũng tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế khi tình hình trở lại bình thường. Người dân bị tù túng lâu ngày sẽ kéo nhau đến các cửa tiệm và nhà hàng. Các nhà máy sẽ hối hả làm bù cho thời gian bị mất. Để thúc đẩy sự hồi phục, chính phủ sẽ tăng mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Điều không ai biết là khi nào tình hình mới bình thường trở lại. Ở Dự Viên, ông Li không thể chờ được nữa. Do kinh doanh quá thất bát, ông đã cho ba nhân viên trong cửa hàng khăn lụa của mình nghỉ ở nhà, không lương – điều phổ biến trong các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc. Tỉ lệ tử vong do virus Corona đang tăng lên và quốc gia này đang phải trả giá cho dịch bệnh.
Theo The Economist