Thị trường trái phiếu sôi động nhờ ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản

thunguyen

29/08/2019 09:15

Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đã phát hành quá nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2019, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

Trong nửa đầu năm 2019, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt trên 116 nghìn tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, tuy vẫn đang được đánh giá là sơ khai, do thiếu công ty định mức tín nhiệm, nhưng đã phát triển mạnh mẽ sau Nghị định 163 của Chính phủ. Nghị định đã nới lỏng một số điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2.2019.

Lý do các ngân hàng phát hành trái phiếu là để tăng vốn khả dụng (là nguồn vốn có thể cho vay các dự án trung và dài hạn) - giúp tăng hệ số an toàn vốn (CAR) - một trong các tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Phát hành trái phiếu (thường là dài hạn) giúp ngân hàng có tiền sẵn sàng cho vay, đồng thời không bị pha loãng lợi nhuận như khi phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, vì thế dễ dàng nhận được sự đồng tình của cổ đông ngân hàng.

Trái phiếu của các ngân hàng thường có hời hạn kéo dài, và lãi suất thấp so với các khoản vay cùng kỳ hạn. Vietinbank vừa phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu với thời hạn 7 năm, lãi suất cố định 8%/năm. Trái phiếu doanh nghiệp thông thường có kỳ hạn dưới ba năm, và lãi suất thả nổi từ năm thứ hai trở đi, cao hơn lãi suất tham chiếu của các ngân hàng. Đầu tháng Tám, Agribank công bố phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm, lãi suất thả nổi. Thông báo của ngân hàng cho biết mục đích phát hành nhằm tăng trưởng nguồn vốn dài hạn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Không chỉ kéo dài và lãi suất thấp, chuyên gia này nhận định nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng (trái chủ) thông thường có mối quan hệ tương đối mật thiết với ngân hàng, thường là cổ đông. Họ sẽ chịu mức lãi suất tương đối thấp, bù lại nhờ cải thiện các chỉ số hoạt động, tăng lợi nhuận, sẽ hưởng lợi từ cổ tức với vai trò là một cổ đông. Trong thương vụ kể trên của Vietinbank, ngân hàng không công bố tên trái chủ cụ thể, chỉ để tên một tổ chức có tên “Doanh nghiệp A” trong danh sách trái chủ của đợt phát hành.

Với các doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là cách nhanh chóng để gọi vốn khi các ngân hàng đang bị siết chặt mảng cho vay bất động sản. Có nhu cầu cao về vốn, doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, có lúc trên 14%/năm.

Các ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả với vai trò người mua - tương đương với việc cho các doanh nghiệp vay vốn.

Theo báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố, một số ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Có thể kể đến Techcombank với trên 61 nghìn tỉ đồng, BIDV hơn 22 nghìn tỉ đồng, Vietinbank hơn 19 nghìn tỉ đồng, SHB hơn 16 nghìn tỉ đồng…

Các ngân hàng có nhiều lợi ích khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Trước hết do lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với các khoản vay trực tiếp cùng kỳ hạn. Ngoài ra, mua trái phiếu giúp ngân hàng có thể tạm bán/chuyển giao cho bên thứ ba, nhằm giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Nói cách khác, mua trái phiếu doanh nghiệp giúp ngân hàng vừa lách được trần lãi suất cho vay và quy định về tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Mới đây, trước tình hình các ngân hàng đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng nhà nước đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại đề nghị xem xét các giao dịch mua trái phiếu doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) - doanh nghiệp vừa phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu đã lên tiếng sau công văn của Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngân hàng thương mại trong nước không tham gia vào đợt phát hành này của công ty. Liên doanh các nhà phát triển bất động sản cao cấp mới là nhà đầu tư mua toàn bộ trái phiêu phát hành của CII.

Đan Nguyên

thunguyen