Thị trường bảo hiểm Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

dang.pham

26/09/2019 17:29

Dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh và thị trường vẫn còn bỏ ngỏ do người dân chưa hình thành thói quen đầu tư vào các sản phẩm tài chính.

Hãng bảo hiểm FWD dự kiến dành ra số tiền khoảng 400 triệu USD để mua mảng bancassurance - hình thức bán bảo hiểm qua ngân hàng - của ngân hàng Vietcombank, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Mới đây, ngày 24.9, hãng tin Reuters đưa tin các tập đoàn bảo hiểm lớn như Allianz, Nippon Life and MS&AD dự tính sẽ chi khoảng 2,5 tỉ USD để mua lại toàn bộ hoạt động của Aviva khi hãng này dự kiến rút khỏi hai thị trường Việt Nam và Singapore.

Người dân TP.HCM xem pháo hoa ngày 2.9.2019 - Ảnh: Bảo Dzoãn
Dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh và người dân chưa hình thành thói quen đầu tư vào các sản phẩm tài chính khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực bảo hiểm. (Ảnh: Bảo Dzoãn)

Không chỉ Việt Nam, khu vực Đông Nam Á cũng đang là mảnh đất đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm. “Mặc dù có một tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong những năm vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng”, báo cáo Emerging Asia Life Insurance Pulse 2019 của Dr. Schanz, Alms & Company dẫn lời từ ông Huỳnh Hữu Khang, Phó Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam.

Năm ngoái, hãng bảo hiểm Allianz tuyên bố đầu tư 35 triệu USD vào Go-jek nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế cho các lái xe Go-jek và gia đình của họ.

Ông Khang cho biết thêm, mới chỉ có 7% dân số đang có hợp đồng bảo hiểm. Do đó, tiềm năng của thị trường là rất lớn, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu đang mở rộng rất nhanh và nỗi lo về các loại bệnh như ung thư cũng ngày càng gia tăng.

Theo nghiên cứu của công ty PwC, mức độ thâm nhập vào ngành bảo hiểm (bao gồm nhân thọ và phi nhân thọ) của Việt Nam chỉ có 1,7% năm 2015, trong khi con số này ở các nước phát triển là khoảng 10%.

Thời gian gần đây, các công ty bảo hiểm bắt đầu chú ý đến những các sản phẩm trên nền tảng kĩ thuật số để thu hút các khách hàng trẻ, nhóm chiếm phần lớn trong dân số của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. FWD, công ty bảo hiểm đến từ Hong Kong của Richard Li - con trai của tỉ phú giàu nhất Hong Kong, Li Ka-shing, đã bỏ ra khoảng 6 tỉ USD để mua lại các công ty bảo hiểm, mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á trong sáu năm qua, theo Reuters.

Việc đầu tư vào bảo hiểm vẫn chưa thực sự hấp dẫn do các sản phẩm vẫn chưa thực sự phù hợp với người dân. Người dân vẫn có thói quen lựa chọn các hình thức đầu tư truyền thống khác như tích lũy vàng, USD khi có các khoản tiền nhàn rỗi.

Một trong những lý do khiến bảo hiểm vẫn có khoảng cách chính là vì nhiều sản phẩm bảo hiểm vẫn chưa thực sự phù hợp, Dr. Schanz, Alms & Company dẫn lời của Zainudin Ishak, CEO công ty Reinsurance Berhad Malaysia. “Đa phần các sản phẩm bảo hiểm chỉ mới mang tính đại diện cho công ty chứ chưa thực sự phục vụ nhu cầu của từng phân khúc hoặc thậm chí đang bỏ sót đi một số phân khúc”.

Theo Ishak, để có thể tiếp cận các phương thức tài chính nói chung, ngành bảo hiểm cần đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt hơn nữa, những sản phẩm có thể tập trung vào các phần thiết yếu nhất của bảo hiểm, bỏ đi những sản phẩm phụ trợ không cần thiết và phân phối trên các kênh có chi phí thấp như thiết bị điện thoại.

“Nói chung, những nhà bảo hiểm cần đóng vai trò nhiều hơn trong việc tăng tính bảo vệ cho thị trường bảo hiểm tại Việt Nam”, theo phát biểu của ông Ngô Trung Dũng trong báo cáo ASEAN Insurance Pulse 2018 của Dr. Schanz, Alms & Company.

Theo ông Dũng, tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang thiếu các sản phẩm phòng ngừa rủi ro liên quan đến thiên tai, và mang tính địa phương. Thêm vào đó, nhu cầu cũng bị hạn chế vì nhận thức về các sản phẩm bảo hiểm vẫn thấp.

Dâng Phạm

dang.pham