Thấy gì từ biến cố FLC và Tân Hoàng Minh?

TS Huỳnh Thế Du

18/01/2022 07:32

Thị trường có vai trò và quyền năng rất lớn. Khi các chính sách công phát huy điều này thì sẽ có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, thúc đẩy cho sự tiến bộ của xã hội. Trái lại, các chính sách phi thị trường rất dễ tạo ra các cú sốc và những điều tồi tệ có thể xảy ra.

fb-img-1642426714339-1642426756.jpg

Với những biến cố xảy ra, khả năng cao là FLC và THM sẽ phải chịu hậu quả rất nặng nề xuất phát từ hành động của người đứng đầu. Với FLC, tôi cho rằng quyết định của nhà nước và sự lên tiếng của thị trường là cùng pha và rất hợp lý. Đây là một bước trưởng thành của kinh tế thị trường và chính sách công ở Việt Nam. 

Trái lại, với THM, mọi thứ có thể sẽ tốt hơn nếu Nhà nước đưa ra các chính sách để phát huy quyền lực của thị trường thay vì theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược với thị trường như vậy. 

Những tính toán không hợp lý của một số doanh nghiệp kéo theo những tính toán không hợp lý của bên quản lý có thể tạo ra những tác động hay rủi ro rất lớn cho cả nền kinh tế. Không khéo rất nhiều người sẽ mất tết và phải làm rất nhiều việc để xử lý hậu quả sau đó.

FLC

Danh mục đầu tư hay kinh doanh của doanh nghiệp vừa có rất nhiều tiếng tăm vừa có rất nhiều điều tiếng này chủ yếu là bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và hàng không. Cả ba lĩnh vực này đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid. 

Có thể giá bất động sản tăng giá, nhưng để bán và thu về hàng nghìn tỷ đồng không phải là chuyện đơn giản. Các hoạt động chính của FLC có doanh thu rất thấp so với lúc thông thường. Do vậy, một khả năng rất cao là doanh nghiệp này đang rất căng thẳng về khả năng thanh khoản hay thiếu tiền cho các nhu cầu cần thiết.

Với nhu cầu chi tiêu trong dịp cuối năm và khó có sẵn tiền nên việc ông chủ tịch tập đoàn bán cổ phiếu của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có lẽ ông ta đã phạm phải một trong những sai lầm lớn nhất trong đời khi bán chui cổ phiếu (và với khối lượng cực lớn). Việc bị trừng phạt như vậy là khó tránh khỏi và rất khó tìm được tiếng nói ủng hộ hành động như vậy.

UBCK đã có hành động kịp thời và các nhà đầu tư đã bỏ phiếu bằng chân để chủ sở hữu hiện tại phải gánh chịu hậu quả. 

FLC đáng bị như vậy. Cái giá phải trả bằng chính túi tiền hay tài sản của mình là rất rõ ràng và công bằng. Mỗi người phải chịu hậu quả về việc làm của mình.

TÂN HOÀNG MINH

Có lẽ ông chủ của THM đang rất hối hận về hành động hay sự bốc đồng của mình. Tuy nhiên, rất khó tránh khỏi cảm giác bị ép hơn là tâm phục khẩu phục.

Nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh là rất quan trọng. Kinh doanh vốn dĩ nhiều bất trắc. Việc cho phép người kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn hay tài sản của mình bỏ ra sẽ tạo được sự yên tâm.

Không khí trong các buổi đấu giá rất dễ tạo ra sự kích động hay bốc đồng. Người bị rơi vào trạng thái như vậy đáng phải chịu hậu quả. Tuy nhiên, hậu quả chỉ nên dừng lại ở sự việc đó mà thôi.

Các động thái tác động để các ngân hàng không cho vay và việc điều tra các dự án khác của doanh nghiệp ắt hẳn tạo ra cảm giác bị ép hay dồn vào đường cùng và không thể không bỏ cuộc. Như vậy là rất không hay. 

Không chỉ là một doanh nghiệp, cách can thiệp như vậy có khả năng cao là sẽ gây lo sợ cho những người tham gia kinh doanh khác và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh chung. 

Điều đáng quan tâm là cú dừng phanh đột ngột trong vụ THM như vậy đã làm cho số đông, chưng hửng, không biết thực sự giá đất của Thủ Thiêm nói riêng, mặt bằng nói chung là như thế nào. Điều này đang tạo ra rủi ro rất lớn cho cả nền kinh tế mà với một số tác động khác có thể dẫn đến tình trạng bán tháo các tài sản dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trong vụ THM, giải pháp phát huy quyền lực của thị trường có lẽ là hợp lý hơn. Với vai trò và sẵn có đất trong tay, nhà nước nên làm bốn việc sau:

Thứ nhất, có các chính sách để việc mua và bán đất nói riêng, các tài sản có thể đầu tư nói chung dễ dàng và thuận tiện hơn. 

Thứ hai, các cơ quan giám sát và điều tiết (không phải là công an) đảm bảo những bên tham gia tuân thủ các quy định và luật chơi (như với FLC là rất hợp lý).

Thứ ba, tiếp tục tổ chức nhiều phiên đấu giá đất để tăng nguồn cung cho thị trường.

Thứ tư, ban hành thuế tài sản, nhất là thuế bất động sản đánh vào những mảnh đất bỏ không.

Các chính sách nêu trên sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn. Khi đó không ai có thể làm giá hay chống lại thị trường.

Tóm lại, thị trường có vai trò và quyền năng rất lớn. Khi các chính sách công phát huy điều này thì sẽ có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, thúc đẩy cho sự tiến bộ của xã hội. Trái lại, các chính sách phi thị trường rất dễ tạo ra các cú sốc và những điều tồi tệ có thể xảy ra.

Không nên hình sự hoá các giao dịch dân sự, nhất là các hoạt động kinh tế. Thêm vào đó, sự can thiệp không khéo của nhà nước có thể làm thị trường lao dốc và khủng hoảng. 

Ngay lúc này, các chính sách của nhà nước cần hết sức thận trọng!

TS Huỳnh Thế Du
Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ biến cố FLC và Tân Hoàng Minh?" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.