Tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả

Hạ Anh

25/10/2024 15:18

Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là trên môi trường số, internet. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và đang là thách thức đối với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của đất nước.

Việc thực hiện các điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan đã ký kết và tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam tại các nước thành viên đồng thời thực hiện nghĩa vụ pháp lý với các nước thành viên. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước ban hành và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ: Ban hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2022 ...

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, có nơi, có lúc nghiêm trọng, nhất là trên môi trường số, internet. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và đang là thách thức đối với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của đất nước.

bao-ve-ban-quyen-pld-1729866249.jpg
Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt Nam.

Nhân dịp 20 năm (26/10/2004 - 26/10/2024) Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, ngày 25/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt Nam.

Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt Nam là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, và đại diện doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp mở rộng quan hệ, kết nối và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bản quyền và tri thức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) cho biết, 20 năm qua, kể từ ngày Việt Nam gia nhập Công ước Berne là một chặng đường, là bước khởi đầu trong hành trình bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của quốc gia. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chủ tịch VCCA nhận định, kỷ nguyên số và mạng Internet mang đến nhiều cơ hội tiếp cận tại bất cứ nơi nào và vào thời gian nào tới các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng. Nhưng điều này đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

ong-bui-nguyen-hung-pld-1729866249.jpg
Ông Bùi Nguyên Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA).

Báo cáo về việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tác giả và phát triển công nghiệp văn hóa, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp. Ngoài ra, chưa có bộ phận chuyên trách về bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đến các tài sản trí tuệ tại các cơ quan quản lý ở địa phương. Việc xử lý các vụ việc xâm phạm còn chậm, chưa rõ ràng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thời gian tới cần tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thu hút và hỗ trợ đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ…

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, pháp luật sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các yêu cầu của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam và EU (EVFTA) đã nâng cao mức bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay là Hiệp định Trips của WTO.

Mặt khác, yêu cầu cao và nghiêm ngặt đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự.

Do đó, trong xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 cần tập trung vào các chính sách như đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả/quyền liên quan; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng, cân bằng giữa quyền lợi chủ thể quyền và quyền sử dụng, quyền tiếp cận của xã hội; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ; nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Tại Việt Nam có khoảng hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 lượt xem/tháng và khoảng 70 website bóng đá vi phạm bản quyền với hơn 1,5 tỷ lượt view. Số liệu từ Hội Truyền thông số Việt Nam cho thấy, ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video xâm phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, đến năm 2017 ước tính có thể tăng lên hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Hạ Anh