Tại sao lại tranh cãi về luật nồng độ cồn khi nó giúp giảm bao tai nạn đau thương?

thunguyen

10/01/2020 11:05

Khi người thân của bạn gặp tai nạn vì một kẻ say rượu liệu bạn còn phản đối luật nồng độ cồn mới không?

Cách đây vài ngày, luật mới về phòng chống tác hại của rượu bia bắt đầu có hiệu lực và được áp vào thực tế. Theo đó, mức phạt sẽ tăng gấp nhiều lần và về cơ bản thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong hơi thở sẽ không được có một chút nồng độ cồn nào. Như vậy, từ 2020, người tham gia giao thông tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia.

Như một lẽ phải thế, điều luật này bị phản đổi khá nhiều như luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, luật an ninh mạng trước đó.Đôi khi sự phản đối của nhiều người không đến từ chính bộ luật là mang theo tâm lý a dua, theo kiểu “à nó phản đối thì mình cũng phản đối” hoặc “có tật giật mình” cậy ta đây tửu lượng cao nên thường xuyên lái xe sau khi uống “dăm ba chén rượu, dăm ba cốc bia”.

Tại sao lại tranh cãi về luật nồng độ cồn khi nó giúp giảm bao tai nạn đau thương?
Tại sao lại tranh cãi về luật nồng độ cồn khi nó giúp giảm bao tai nạn đau thương?

Chắc mọi người vẫn chưa quên vụ xe điên ở Đường Láng do lái xe uống rượu bia và hình ảnh người con trai khóc bên xác mẹ làm lao công khiến bao người nhói lòng. Phải chăng những hình ảnh đó còn chưa đủ khiến bạn có suy nghĩ phải quyết liệt hơn đối với những kẻ uống rượu bia còn lái xe?

Sếp cũ của tôi – một con người nhiệt tình, chăm chỉ lao động và có lối sống rất tích cực. Sau này chị chuyển công tác, bắt đầu một cuộc sống mới với một vị trí mới. Đột nhiên, một ngày tôi nhận tin tức chị bị một kẻ say rượu đâm phải khi đang trên đường tác nghiệp. Chị bị thương rất nặng và kẻ “phạm tội” thì say không biết trời trăng gì nữa. Thế là bao nhiêu dự định, bao nhiêu kế hoạch vừa chớm nở của chị đều dừng lại.

Thời điểm gần, trong và sau nghỉ Tết số vụ tai nạn do uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đặc biệt tăng cao. “Những kẻ say luôn tự nhận mình tỉnh” và cái tính “sĩ diện” của bao kẻ đã gây ra các vụ tai nạn đau lòng, cuốn theo cả những người vô tội khác phải trả giá cùng.

Một lần đến viện thăm họ hàng, hình ảnh, âm thanh của người mẹ gào khóc vì đứa con đi chơi bị một kẻ say xỉn đâm thương vong vẫn khiến tôi vẫn ám ảnh đến nửa năm trời.

Quay lại với lý do tại sao nhiều người lại phản đối luật giao thông đường bộ mới vì chỉ cần trong hơi thở nồng độ cồn lớn hơn 0 là bạn đã bị vi phạm luật. Một số thông tin cho thấy bạn ăn vải hay uống siro cũng khiến hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu kỹ trước khi phản đối.

Đã uống rượu bia thì không lái xe
Đã uống rượu bia thì không lái xe

Cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể phân biệt được bạn ăn vải hay do uống rượu mà tăng nồng độ cồn. Về cơ bản, không phải cứ đo có kết luận là bạn sẽ bị phạt. Bạn có thể giải thích lý do và đo lại lần 2 sau 10-15 phút. Khi ăn hoa quả mà tăng nồng độ cồn thì tầm chục phút là hết nhưng uống rượu bia thì có khi cả đêm cũng không hết. Những người thường xuyên uống chất kích thích này là những người hiểu rõ nhất. Đừng bị dẫn dắt bởi sự thiếu hiểu biết.

Thời điểm luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường ra đời đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi. Đến giờ, sau hơn 10 năm áp dụng luật đó đã khiến thói quen đội mũ bảo hiểm đã trở thành một thói quen của người dân giúp số vụ chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông giảm hẳn.

Xin nhắc lại, luật cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sinh ra để bảo vệ người không uống rượu bia, chứ không phải để cấm các người không được uống. Nếu bạn vẫn muốn uống, không ai ngăn cản nhưng sau đó hãy gọi người đến đón, bắt taxi, xe ôm đi về, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác mà lại khiến người nhà không phải lo lắng.Thái độ và mạng sống là của các bạn và nó chỉ 1 lần trong đời, đừng phản đối cái điều mà nó khiến cho các bạn, người thân của các bạn duy trì cái điều mà không bao giờ mỗi người có được lần thứ 2.

Ảnh: Internet
Thần Vũ

thunguyen