Các số liệu cho thấy câu chuyện về một khu vực trưởng thành từ hình mẫu được thúc đẩy bởi xuất khẩu - “Made in Asia”(Làm tại châu Á) sang hình mẫu “Made for Asia”(Làm cho châu Á) - nơi tăng trưởng đến từ một hệ sinh thái kinh tế vùng đến từ nhiều yếu tố, giúp củng cố tăng trưởng nhờ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư.
Nếu châu Á có thể tự tạo ra môi trường kinh tế của riêng mình, thì điều này sẽ giúp củng cố thêm khả năng khước từ yêu sách kinh tế của phương Tây và tự giúp cho khu vực này trở nên bớt mong manh hơn với những biến động khác của nền kinh tế toàn cầu.
Châu Á, hiện đóng góp 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang cho thấy khu vực này đang chạm đến cột mốc mà những nền kinh tế phương Tây sẽ trở nên phụ thuộc vào châu Á hơn cho sức khỏe tương lai kinh tế của chính họ, hơn là hướng ngược lại.
Những đối tác thương mại lớn nhất của châu Á không còn là Bắc Mỹ hay châu Âu. Trong năm 2018, 54% giá trị xuất khẩu từ các nước châu Á đi đến các quốc gia khác trong cùng khu vực. Một phần nguyên nhân đến từ sự đa dạng hóa ngày càng gia tăng của các chuỗi cung ứng trong lòng châu Á. Bên cạnh đó, xu hướng thương mại nội khối được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong khu vực sẽ vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Người tiêu dùng mới tại châu Á đã bắt đầu thay đổi diện mạo kinh tế toàn cầu. Các nhà sản xuất trong khu vực cùng tập đoàn quốc tế một thời từng xem châu Á như nơi có chi phí thấp (low-cost) để sản xuất hàng hóa bán cho người tiêu dùng phương Tây. Nhưng nay, chính họ lại đang tập trung vào những khách hàng sống “gần các nhà máy”.
Trên khắp thế giới, xe hơi đang được lắp mặt ca-lăng lớn hơn để chiều theo thị hiếu khách hàng Trung Quốc. Các nhãn hàng quần áo đang làm ra những dòng sản phẩm nhỏ hơn để vừa với tầm vóc của khách hàng châu Á. Còn những công ty nội thất thì tung ra những mẫu thiết kế mới làm từ nguyên vật liệu chịu nhiệt và độ ẩm của môi trường nhiệt đới.
Rõ ràng, châu Á có khả năng bù đắp cho thiệt hại từ những sản phẩm chịu tác động từ thuế quan Mỹ và những nơi khác. Giao thương của Trung Quốc với Mỹ giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018 trong nửa đầu năm 2019, nhưng tổng giá trị giao dịch thương mại của Trung Quốc (với phần còn lại trên thế giới) lại tăng 3,9%.
Trung Quốc cũng giảm bớt sự hiện diện ở thị trường Mỹ trong những năm qua. Phòng Nghiên cứu Quốc tế của HSBC ước tính, tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ – trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những nước thứ ba – đã giảm gần một nửa từ năm 2005, từ mức 7,1% xuống còn 3,7% GDP của Trung Quốc.
Nói vậy không có nghĩa châu Á hoàn toàn “miễn nhiễm” với tác động từ căng thẳng thương mại. Xuất khẩu liên khu vực và đầu tư quốc tế đều giảm. Tuy nhiên, những tác động này có nguyên nhân từ một tương lai bất định nhiều hơn là bản thân hàng rào thuế quan.
Trong dài hạn, những tác động nêu trên còn có thể giúp củng cố khả năng tự cường của châu Á. Một số doanh nghiệp Mỹ đã chuyển dây chuyền sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, thường là sang những quốc gia lân cận như Việt Nam và Malaysia, nhằm tránh hàng rào thuế quan và cấm vận pháp lý.
Hai mắt xích yếu nhất trong khả năng tự lực tăng trưởng của châu Á nằm ở hai phương diện: đầu tư và chính sách thương mại.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính thị trường trái phiếu địa phương đang lên của châu Á – không bao gồm Ấn Độ – đang có giá trị 15 nghìn tỉ USD, với 3/4 trong đó nằm tại Trung Quốc – quốc gia có thị trường trái phiếu lớn thứ hai trên thế giới. Việc gần đây trái phiếu chính phủ Trung Quốc được ra mắt trên chỉ số Barclays-Bloomberg Global Aggregate Index, đã giúp đẩy mạnh hội nhập giữa các thị trường vốn toàn cầu. Nhưng châu Á vẫn cần nỗ lực chung để tạo ra những thị trường vốn sâu rộng và có tính thanh khoản cao hơn, có khả năng xoay vòng những khoản dự trữ lớn của khu vực này thành những khoản đầu tư sinh lời.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về những hành lang thương mại bảo trợ bởi Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc (đa phần trong đó nằm ở châu Á), ước tính những nước này đang không thực hiện thương mại tương xứng với tiềm năng đến 30% và không đạt được tiềm năng FDI của họ đến 70%, mà nguyên nhân đến từ những khoảng trống trong chính sách và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Những nỗ lực giảm thiểu tối đa rào cản thương mại bên trong châu Á đã đạt được một vài thành công nhất định, nhưng kết quả tổng thể vẫn gây thất vọng. Tầm nhìn về một khu vực thương mại tự do thống nhất 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị chững lại, còn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) thì đã trải qua 26 vòng đàm phán trong bảy năm qua, và mâu thuẫn gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là lời nhắc nhở đúng lúc rằng: châu Á vẫn tồn tại những căng thẳng ở nhiều quốc gia.
Tranh chấp thương mại xuyên Thái Bình Dương đã đưa đến một cấp bách mới trong việc giải quyết tất cả những vấn đề trên. Một bộ thỏa thuận khung về RCEP dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2019, mặc cho những vấn đề nhạy cảm về Ấn Độ vẫn còn đó. Và trong chương trình nghị sự của hội nghị ASEAN diễn ra vào tháng 6.2019, thương mại là chủ đề được đề cập với cường độ lớn.
Sự nổi lên của một châu Á tăng trưởng nhờ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư liên vùng có một tác động sâu sắc đối với kinh tế toàn cầu. Trong ngữ cảnh đó, những nỗ lực sử dụng chính sách thương mại như vũ khí để đạt được mục tiêu chiến lược có thể gây phản tác dụng. Một khu vực có nhiều nguồn lực tăng trưởng thay thế, sẽ có ít lý do để nhượng bộ hơn.
STUART TAIT
Giám đốc Ngân hàng Thương mại, HSBC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Viết cho Tạp chí Nhà Quản Lý