Sức mạnh của hàng không giá rẻ

minhtam

09/06/2020 14:57

Một phân tích toàn diện giúp các nhà đầu tư thấy được ngành công nghiệp hàng không có thể đứng đầu trong và sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Cuộc sống liên tục được cải thiện trong những thập kỷ gần đây dù đôi khi chịu ảnh hưởng bởi suy thoái, sự sụp đổ của một số thị trường hay tác động của dịch bệnh như COVID-19. Các sản phẩm dịch vụ đã từng chỉ dành cho người giàu nay trở nên phổ biến khi vức sống tăng lên. Không có doanh nghiệp nào minh họa cho việc bình dân hóa các ngành dịch vụ hạng sang hơn ngành hàng không. Các hãng hàng không giá rẻ (LCC - Low Cost Carrier) đã đi đầu trong phong trào đó. Tuy nhiên, hầu hết các thành tựu của ngành hàng không giá rẻ trở thành vấn đề cần bàn bạc ngày nay. Một phân tích toàn diện có thể giúp các nhà đầu tư thấy được ngành công nghiệp hàng không có thể đứng đầu trong và sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Thay đổi bộ mặt du lịch hàng không

Khi xưa, bay là chính là một trải nghiệm. Các hãng hàng không chủ yếu phục vụ cho du khách giàu có và dân kinh doanh. Hành khách được chăm sóc với thức ăn và rượu vang. Trong những ngày đó, các chuyến bay hiếm khi đủ khách. Người ta có thể duỗi dài trên ghế trống liền kề và tận hưởng chợp mắt trong cabin im lìm.

Sau sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ, những lợi ích đó chỉ dành cho những người đi công tác hoặc trên khoang hạng nhất. Những tiện nghi và sự xa xỉ như vậy chẳng khác gì một giấc mơ xa vời đối với đại đa số tầng lớp nhân dân. Đối với những du khách đó, bay đã trở thành một trải nghiệm khó chịu phải chịu đựng. Du lịch hàng không là các chuyến bay quá đông, sự chậm trễ không thể tránh khỏi, thủ tục an ninh kéo dài, cabin ồn ào, và một vài thứ miễn phí.

Đại dịch COVID-19 mang đến những thách thức mới, đồng thời giải quyết một cách kỳ lạ những vấn đề cũ. Ngoài các quy trình bảo mật tốn thời gian, khách du lịch còn mệt mỏi đối mặt với các biện pháp ngăn chặn virus. Hơn nữa, phần lớn thực phẩm miễn phí phong phú một thời đã biến mất, có lẽ tạm thời do lo ngại virus. Nhưng những người tìm kiếm không gian thư thái đã có được mong muốn của họ. Nhu cầu giảm mạnh, khiến hầu hết các chuyến bay đều trống rỗng. Hơn nữa, các hướng dẫn giãn cách xã hội có thể giúp hành khách có thêm không gian trong suốt thời gian khủng hoảng.

Sự trỗi dậy của các hãng hàng không giá rẻ

Trong khi nhiều người than phiền về sự suy giảm chất lượng, số lượng khiếu nại không quá cao so với lượng khách du lịch hàng không khổng lồ. Đó là bởi giá vé máy bay giảm đáng kể. Khách hàng hiểu sẽ nhận được những gì xứng đáng với phần chi trả. Giá vé rẻ cho du lịch hàng không tiện lợi là một món hời được đa số du khách chấp nhận. Những người trông đợi sự quyến rũ khi trải nghiệm chuyến bay luôn có lựa chọn trả nhiều tiền hơn cho khoang hạng nhất.

Bãi bỏ quy định

Những người tiên phong, chẳng hạn như Công ty Hàng không Tây Nam (LUV), đã mở ra chuyến du lịch hàng không lớn ở Mỹ trong những năm 1970. Trong cùng một thập kỷ, việc bãi bỏ quy định của ngành hàng không Mỹ đã đẩy nhanh việc sử dụng rộng rãi các hãng hàng không giá rẻ. Đạo luật bãi bỏ hàng không năm 1978 đã thay đổi một phần quyền kiểm soát đối với việc đi lại bằng đường hàng không từ chính phủ sang khu vực tư nhân. Điều đó dẫn đến việc chấm dứt sự toàn quyền một thời của Hội đồng hàng không dân dụng (CAB) vào năm 1984.

CAB trước đây đã nắm các khía cạnh quan trọng của ngành hàng không Mỹ. Hội đồng này kiểm soát giá cả của các dịch vụ hàng không, thỏa thuận giữa các hãng và sáp nhập trong ngành. Các hãng hàng không chỉ có thể cạnh tranh trên các yếu tố hữu hình, chẳng hạn như thực phẩm, chất lượng dịch vụ và phi hành đoàn. Các hãng bị "trói tay" trước giá vé - yếu tố cân nhắc quan trọng nhất của hầu hết người tiêu dùng.

Kết quả bãi bỏ quy định

Việc tự do hóa ngành hàng không mang lại kết quả ngoạn mục. Số lượng khách du lịch hàng không của Mỹ đã tăng từ 205 triệu vào năm 1975 lên mức kỷ lục 927 triệu vào năm 2019. Giá trung bình của vé khứ hồi nội địa ở Mỹ đã giảm từ 566,10 USD năm 1990 xuống còn 367,34 USD vào năm 2019 (giá vé đã được đối chiếu theo lạm phát), giảm khoảng 35%, nhưng sự sụt giảm chủ yếu diễn ra trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2005. Các hãng hàng không cũng đã chuyển từ lấp đầy khoảng 54% số ghế vào năm 1975 sang sử dụng 85% công suất ghế vào năm 2019.

Lan khắp thế giới

Cuộc cách mạng hàng không giá rẻ lan rộng trên toàn thế giới từ năm 1990 đến 2020. LCC đã đến châu Âu vào những năm 1990 và châu Á vào những năm 2000. Các hãng hàng không quốc gia hàng đầu vẫn tồn tại ở hầu hết các nước. Ý thậm chí đã tái tổ chức hãng hàng không quốc gia Alitalia trong cuộc khủng hoảng bởi virus corona. Các hãng hàng không giá rẻ đã đạt được tiến bộ trong nhiều năm. Tuy nhiên, sự căng thẳng cực độ khi đối phó với virus corona khiến nguy cơ sống sót của họ bị đe dọa, đặc biệt là ở các thị trường mới hơn.

Tại sao các hãng hàng không giá rẻ tăng vọt

Thành công của các hãng hàng không giá rẻ trước năm 2020 có được ghi nhận do sự đổi mới và phát triển kể từ những năm 1970.

Mô hình "điểm tới điểm"

Nhiều hãng hàng không lớn đã nhanh chóng áp dụng mô hình "trục bánh xe và nan hoa" (hub-and-spoke) sau khi bãi bỏ quy định. Trong mô hình đó, một sân bay lớn trở thành trung tâm và các điểm đến khác trở thành điểm đến. Tuy nhiên, LCC đã từ bỏ hệ thống đó để ủng hộ mô hình "từ điểm tới điểm" (point to point).

Hệ thống "trục bánh xe và nan hoa" cho phép các hãng hàng không tập hợp hành khách của họ tại trung tâm và sau đó bay đến các điểm đến cuối cùng (nan hoa) bằng các máy bay nhỏ hơn. Điều đó giúp tăng tỉ lệ chỗ ngồi đầy, giúp giảm giá vé. Hơn nữa, hệ thống "trục bánh xe và nan hoa" tăng số lượng điểm đến có thể. Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số nhược điểm, chẳng hạn như cần chi phí cao nhất định để duy trì cơ sở hạ tầng phức tạp như vậy. Mô hình "trục xe và nan hoa" cũng khiến thời gian di chuyển dài hơn đối với những khách hàng phải đi qua các trung tâm. Cuối cùng, hệ thống dễ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của chuyến bay do tắc nghẽn trung tâm.

Mặt khác, hệ thống "điểm tới điểm", kết nối từng điểm xuất phát và điểm đến thông qua các chuyến bay thẳng. Điều đó giúp tiết kiệm chi phí đáng kể bằng cách loại bỏ điểm dừng trung gian tại trung tâm, giúp loại bỏ các chi phí liên quan đến phát triển trung tâm. Hệ thống "điểm tới điểm" cũng giảm tổng thời gian di chuyển và cho phép sử dụng máy bay tốt hơn. Phạm vi địa lý chính là hạn chế chính của mô hình "điểm tới điểm". Thật không may, các chuyến bay thẳng không có hiệu quả kinh tế ở nhiều cặp thành phố.

Giảm giá

Hiệu quả cao hơn và việc sử dụng đội tàu tốt hơn, cùng với chi phí thấp hơn, các hãng hàng không có thể giảm giá đang kể. Giá vé hiện là yếu tố cạnh tranh lớn nhất cho các hãng hàng không. Đại đa số người tiêu dùng muốn đến đích nhanh chóng và tiết kiệm. Họ cũng sẵn sàng từ bỏ tiện ích ăn uống và giải trí trên chuyến bay để theo đuổi mức giá thấp nhất. Động lực cho các hãng hàng không giá rẻ cũng mở rộng cho khách đi công tác, khi các công ty ngày càng kiểm soát chi phí đi lại.

Áp dụng công nghệ

Việc áp dụng rộng rãi cho du lịch và bán vé trên mạng đã mang lại lợi ích cho hàng không giá rẻ. Điều này làm giảm nhu cầu về các hệ thống bán vé phức tạp và đắt tiền được sử dụng bởi các hãng hàng không cũ để xử lý các cấu trúc giá phức tạp. Công nghệ cũng làm giảm sự phụ thuộc tốn kém của ngành vào các đại lý du lịch để bán vé máy bay. Sự xuất hiện của internet như là phương tiện chính để đặt vé đã làm tăng đáng kể tính minh bạch của giá vé. Điều đó có lợi cho các hãng hàng không giá rẻ vì giá vé thấp hơn.

Đội bay thống nhất

Một lợi ích đáng kể của mô hình "điểm tới điểm" là hàng không giá rẻ có thể sử dụng một loại đội tàu duy nhất. Các hãng thường không có nhiều thay đổi về nhu cầu hành khách giữa các cặp thành phố lớn mà họ phục vụ. Các hãng truyền thống thường cần các máy bay lớn hơn để chuyên chở hành khách giữa các trung tâm và các máy bay nhỏ hơn cho các chuyến bay đến nan hoa. Tính đồng nhất của đội tàu của các hãng hàng không giá rẻ dẫn đến chi phí đào tạo và bảo trì thấp hơn.

Động lực cho nhân viên

Một số hãng hàng không giá rẻ tự hào về động lực cao của đội ngũ nhân viên. Các hãng thúc đẩy nhân viên thông qua cạnh tranh, khuyến khích từ việc chia sẻ lợi nhuận và nhận diện thương hiệu mạnh của công ty. Hầu hết các hãng giá rẻ có xu hướng bay các tuyến ngắn hơn. Điều đó có nghĩa là nhân viên chỉ ở xa nhà trong vài giờ, trái ngược với một vài ngày hoặc lâu hơn cho các chuyến bay đường dài. Nhiều thời gian ở nhà cũng có thể tốt cho tinh thần của nhân viên.

Tác động của đại dịch COVID-19

Ít khách hơn

Đầu tiên và quan trọng nhất, COVID-19 nghĩa là ít người bay hơn. Theo Airlines for America, tổng số chuyến bay thương mại toàn cầu đã giảm khoảng 75% trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm năm 2020. Đồng thời, các hãng hàng không của Mỹ đã giảm 74% các chuyến bay trong nước và 93% trên toàn thế giới. Tệ hơn nữa, các chuyến bay nội địa đã giảm từ mức trung bình từ 85 đến 100 hành khách xuống chỉ còn khoảng mười người. Tuy nhiên, số lượng hành khách trung bình đã tăng trở lại vào khoảng 30 người vào giữa tháng Năm. Rõ ràng là các hãng hàng không không thể tồn tại ở cấp độ này.

Giải cứu

Các hãng hàng không đã giành được khoản cứu trợ 60 tỉ USD từ chính phủ Mỹ để cứu ngành công nghiệp khỏi phá sản. Tuy nhiên, những điều kiện gắn liền mang đến hậu quả đáng kể với các nhà đầu tư tiềm năng. Các hãng hàng không đã phải đồng ý không thực hiện bất kỳ sa thải nào, mua lại cổ phiếu, hoặc trả cổ tức. Tình hình thu nhập của các hãng giảm nghiêm trọng rất bất lợi cho việc mua lại và trả cổ tức, do đó, không có thiệt hại nào. Nhưng các cam kết không sa thải làm hạn chế khả năng tái cấu trúc của hãng để đối phó với hoàn cảnh đang có sự thay đổi. Tuy nhiên, gói cứu trợ là một chiến thắng đáng kể cho các hãng hàng không và nhân viên của họ.

Buffett thoái vốn

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bán tất cả cổ phần của mình trong ngành hàng không trong năm 2020. Ông nắm giữ nhiều cổ phần ở các hãng hàng không lớn, nhưng trong đó bao gồm lượng đáng kể trong hãng giá rẻ Southwest Airlines. Công ty của Buffett- Berkshire Hathaway - ban đầu đầu tư từ 7-8 tỉ USD vào các hãng hàng không. Tuy nhiên, Buffett đã bán tất cả các cổ phiếu với giá rẻ hơn, khiến nó trở thành một mất mát hiếm hoi cho Buffett và công ty của ông. "Tôi không biết rằng ba, bốn năm kể từ bây giờ mọi người mới bay đủ nhiều như năm ngoái," Buffett nói. "Các hãng đã có quá nhiều máy bay."

Bình thường mới?

Chừng nào cuộc khủng hoảng bởi virus corona còn tiếp diễn, rõ ràng các hãng hàng không sẽ hoạt động rất khác nhau. Những tổn thất, sự phụ thuộc vào trợ cấp và tăng cường kiểm soát đối với các hoạt động dường như khó có thể dự đoán. Dù mở cửa lại nền kinh tế, hay đơn giản là dỡ bỏ những lệnh phong tỏa, ngành hàng không cũng rất khó có thể khôi phục trở lại hào quang trước đây. Bất kỳ phân tích nào về nhu cầu du lịch phải tính cả nỗi sợ virus corona. Hơn nữa, di chuyển công tác cũng có thể suy giảm vĩnh viễn vì sự dịch chuyển ngày càng tăng sang các dịch vụ họp qua video, chẳng hạn như Zoom.

Trở về bình thường?

Cuộc khủng hoảng coronavirus cuối cùng phải kết thúc và mang mọi sự trở lại bình thường. Sự phát triển của các phương pháp điều trị, vắc-xin và miễn dịch cộng đông đều góp phần cho một tương lai khi virus corona không còn làm gián đoạn việc di chuyển bằng đường hàng không. Đại dịch cúm sau Thế chiến I từng tồi tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Warren Harding đã giành chiến thắng long trời lở đất trong cuộc tuyển cử năm 1920 bằng cách hứa hẹn "trở lại bình thường". Khác xa với việc sợ đi du lịch, mọi người nắm lấy thời cơ với các hãng hàng không mang tính biểu tượng được thành lập trong những năm 1920. Các hãng hàng không Northwest Airlines, Trans World Airlines (TWA), and Eastern Airlines đều bắt đầu từ những năm 1920.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công?

Môi trường sau đại dịch COVID-19 có thể cực kỳ thuận lợi cho các công ty mới trong ngành hàng không giá rẻ. Nỗi sợ hãi của virus có khả năng giảm đáng kể trong hầu hết các kịch bản, giải phóng nhu cầu bị kìm nén. Một cuộc suy thoái và thậm chí khủng hoảng sẽ không nhất thiết làm dừng lại quá trình này. Ví dụ, Continental Airlines thực sự được thành lập ở dưới đáy của cuộc Đại suy thoái năm 1932. Sự co lại của ngành hàng không hứa hẹn sẽ để lại nhiều máy bay cũ trên thị trường và vị trí trống tại các sân bay. Điều đó có nghĩa là chi phí khởi động thấp cho các hãng hàng không giá rẻ mới. Các hãng hàng không giá rẻ mới này cũng sẽ không phải có các khoản nợ lớn hay các thỏa thuận hạn chế với các chính phủ - những thứ đè nặng các hãng hàng không hiện có. Cuối cùng, tất cả các hãng hàng không sẽ được hưởng lợi nếu giá dầu vẫn ở mức thấp.

Hiện Việt Nam có năm hãng hàng không đang hoạt động trong đó có hai hãng hàng không giá rẻ. Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất với thị phần nội địa khoảng 42% cả nước năm 2019 sau chưa tới chín năm bay. Jestar Pacific năm 2019 giảm nhẹ về mức 10,6% cả nước. Thị phần các hãng đều ghi nhận giảm so với năm 2018 khi có sự tham gia của Bamboo Airways vào đầu tháng 1.2019.

Các hãng đều chia sẻ thị phần cho các hãng mới cho thấy thị phần hàng không Việt Nam vẫn còn tính biến động và chưa tới điểm bão hòa. Khác với ngành viễn thông, thị phần nhiều năm gần đây không có biến động đáng kể dù có sự tham gia của nhà mạng mới.

Lược dịch từ Investopedia

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Sức mạnh của hàng không giá rẻ" tại chuyên mục Khoa học quản lý.