Sự bùng nổ của livestream bán hàng

dang.pham

15/08/2020 15:12

Live stream trong thương mại điện tử bắt nguồn từ Trung Quốc và lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Tại Mỹ, Amazon và Wayfair dùng hình thức này để rút ngắn khoảng cách với khách hàng.

Các công ty bán lẻ tận dụng sức mạnh của video để xây dựng lòng tin thương hiệu. Năm 2019 đánh dấu hình thức bán hàng livestream bùng nổ. Giờ đây khi mà các nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc như JD.com và Kaola (một đơn vị của Alibaba) đang trong cuộc chơi kết hợp thì liệu rằng tiềm năng của ngành sẽ như thế nào trong tương lai? Liệu khách hàng có cảm thấy choáng ngợp? Chúng tôi xem xét quá khứ hiện tại, tương lai của livestreaming và cách người tiêu dùng toàn cầu mua sắm trực tuyến.

Sự khởi đầu của bán hàng livestream

Livestream trong thương mại điện tử bắt đầu nổi lên từ năm 2014 khi Mogujie - nền tảng thương mại điện tử bắt đầu thử nghiệm với Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Và kết quả cho thấy hình thức này phù hợp.

Cả Mogujie và Taobao đều bán quần áo giá rẻ tầm trung cho khách hàng nữ trong độ tuổi từ 18-23. Tuy nhiên do sức mua hạn chế từ nhóm khách hàng này, giá trị trung bình của mỗi giao dịch cũng ở mức thấp. Do đó, việc tăng tỉ lệ chuyển đổi trở thành một ưu tiên.

Với tính năng phát trực tuyến, người thực hiện sẽ thử các loại quần áo khác nhau và tương tác thông qua các khung chat trực tiếp. Người xem có thể hỏi về cảm nhận và chất liệu vải trong các tình huống thực tế và thậm chí yêu cầu người dẫn chương trình thử các sản phẩm với các bộ phụ kiện khác nhau.

Theo cách hiểu này, livestream đóng ba vai trò chính: hình thức giải trí, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm và kích hoạt bán hàng. Khách hàng xem livestream có xu hướng mua hàng cao hơn. Cuối cùng thì hầu hết các khách hàng tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức. Sự phát triển của điện thoại thông minh và các tùy chọn thanh toán di động như WeChat Pay và Alipay khiến điều này diễn ra.

Năm 2018 và 2019, livestream bắt đầu phát triển. Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một gia tăng và chi phí ngày càng cao, các thương hiệu ngày càng cởi mở hơn với hình thức livestream. Năm 2018, livestream đã tạo ra hơn 14 tỉ USD cho các giao dịch trên Taobao, thị trường thương mại điện tử C2C hàng đầu của Alibaba tại Trung Quốc.

Trong Ngày lễ Độc thân 2019, livestream đã tạo ra 2,9 tỉ USD và những ngôi sao thực hiện livestream đã trở thành người nổi tiếng khi có tới hàng triệu người hâm mộ theo dõi các buổi phát trực tiếp của họ. Hơn 100.000 thương hiệu và người bán đã tận dụng phát trực tiếp để quảng bá sản phẩm của họ bao gồm các thương hiệu nước ngoài như M.A.C, Levi’s, Ralph Lauren, Sisley và Burberry.

Nữ người mẫu diễn viên người Mỹ Kim Kardashian hợp tác với nữ livestreamer hàng đầu Trung Quốc Viya để bán 15.000 lọ mỹ phẩm thương hiệu KKW của mình. Có tới 13 triệu người xem và sản phẩm nhanh chóng được bán hết sạch chỉ trong vòng vài phút.

Livestream trở thành yếu tố cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc như JD.com, Kaola, và Xiaohongshu. Các công ty này công bố kế hoạch sẽ xây dựng hệ sinh thái livestream của riêng mình. Trong đó, JD.com cho biết sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ USD.

Xu hướng: lan rộng ra toàn cầu

Một kịch bản thú vị có thể diễn ra đó là việc livestream bán hàng sẽ lan rộng ra toàn cầu. Livestream đã bắt đầu bùng nổ tại những nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhưng chủ yếu là các cuộc thi game online. Các cuộc thi game online trực tuyến phát triển vì chúng tạo ra nhiều luồng doanh thu. Những nền tảng như Twitch kiếm tiền bằng quảng cáo, bán tài khoản thu phí, cắt giảm các giao dịch trong ứng dụng. Người dùng mua và sử dụng tiền ảo như một hình thức trả công cho những người thực hiện livestream.

Tuy nhiên giờ đây, mọi thứ bắt đầu thay đổi, một phần do sự tham gia của Alibaba trong việc quảng bá hình thức này ra toàn cầu. Aliexpress đã ra mắt tính năng bán hàng trực tuyến tại Nga năm 2017 và Lazada - trang thương mại điện tử do Alibaba sở hữu cũng thực hiện các buổi livestream tại Philippines, Thái Lan và Malaysia.

Tại Hàn Quốc, các công ty như LF Corp hay TVON đang tung ra các tính năng trò chuyện trực tiếp để người bán hàng có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Tại Nhật Bản, các ứng dụng chợ trời: Mercari và Rakuten cũng thêm tính năng phát video.

Tại Mỹ, sàn thương mại điện tử chuyên về hàng nội thất Wayfair cũng tổ chức sự kiện livestream hàng năm vào ngày Way Day 2019, và Amazon ra mắt tính năng livestream vào cùng năm.

Những nhà bán hàng trên Amazon có thể thực hiện các phiên livestream tại các cửa hàng của họ và có thể trả thêm phí để thu hút thêm người xem. Amazon cũng đồng thời tự tổ chức các buổi livestream để thúc đẩy các xu hướng mới. Mặc dù đây là động lực thúc đẩy rõ ràng tuy nhiên, hình thức bán hàng livestream vẫn ở trong giai đoạn sơ khởi.

Mỹ và các quốc gia khác cần phải xây dựng một hệ sinh thái livestream mà ở đó những người thực hiện luôn sẵn sàng đưa danh tiếng của họ lên thương mại điện tử. Trung Quốc đã có những nơi huấn luyện và đào tạo cho người thực hiện livestream đồng thời cung cấp các thiết bị cần thiết cho họ. Nhiều người trong số này từng thực hiện những phiên livestream hơn 12 giờ mỗi ngày, đôi khi sáu ngày một tuần với mức lương tối ưu và hy vọng trở nên nổi tiếng.

Những kênh có tên tuổi phải đảm bảo cho người xem có trải nghiệm tốt nhất hoặc đối diện với nguy cơ mất đi lượng người hâm mộ. Người dẫn chương trình cũng phải đưa ra kịch bản và quan tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ sai sót khi thực hiện livestream bán hàng thường cao hơn nhiều vì hàng hóa được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, phát sinh chi phí hậu cần, thuế nhập khẩu và đôi khi hàng bị thất lạc.

Theo Franklin Chu, giám đốc điều hành sàn Azoya Quốc tế. Azoya là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động từ năm 2013, có trụ sở tại Thượng Hải Trung Quốc.

Digital Commerce 360

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Sự bùng nổ của livestream bán hàng" tại chuyên mục Khoa học quản lý.