Vốn chủ sở hữu Gỗ Trường Thành âm hơn 624 tỷ đồng
Từng là doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên sau cú ngã năm 2008, Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) vẫn chưa thể hồi phục dù được Tập đoàn lớn như Vingroup rồi tiếp đó là Đồng Tâm Group tham gia giải cứu.
Trong quý I/2021, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 312,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước những lợi nhuận sau thuế là âm 39,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1,7 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh trong quý I/2021, lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành đến cuối tháng 3 đã lên gần 3.084 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ là 3.111,98 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ lũy kế bằng 99,1% vốn điều lệ (vốn điều lệ chỉ còn cao hơn mức lỗ lũy kế là 28,18 tỷ đồng). Nếu như doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh đi xuống và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sẽ vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
Tính tới cuối tháng 3/2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã là âm 624,1 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2020, Gỗ Trường Thành lỗ ròng 30,5 tỷ, lỗ luỹ kế hết năm 2020 là 3.043 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2020 âm gần 585 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Như vậy, bất chấp nhiều nỗ lực cải tổ doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành vẫn chìm sâu trong vũng bùn thua lỗ và có thể nói nếu không có sự hỗ trợ của Vingroup, tình cảnh của vua gỗ một thời có thể còn bi đát hơn.
Sau khi, Tân Liên Phát – công ty con của Vingroup trở thành cổ đông lớn nhất của Gỗ Trường Thành, tập đoàn này đã đứng ra giúp đỡ khi ký kết Thỏa thuận nguyên tắc chỉ định Nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm đồ gỗ, với tổng trị giá lên đến 16.000 tỷ đồng vào tháng 5/2017.
Mặc dù Vingroup đã thoái phần lớn vốn tại đây nhưng thỏa thuận giữa hai bên vẫn còn hiệu lực. Theo đó, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký, Tập đoàn Vingroup sẽ đặt hàng Gỗ Trường Thành sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, bao gồm một số đồ ngoại thất, nội thất, ván sàn và các thành phẩm bằng gỗ khác, nhằm trang bị cho các dự án bất động sản nhà ở của Vingroup trên toàn quốc.
Tại thời điểm cuối quý I/2021, số dư Người mua trả tiền trước ngắn hạn của nhóm Vinhomes, Vingroup, Vinpearl là 1.137 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn của Gỗ Trường Thành. Con số này vào cuối năm 2020 và 2019 lần lượt là 1.121 tỷ đồng và 1.210 tỷ đồng.
Phát hành thêm cổ phiếu để xóa âm vốn chủ
Vừa qua, Gỗ Trường Thành đã có văn bản giải trình ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên về khả năng hoạt động liên tục tại báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2020 và phương án khắc phục tình trạng vốn chủ sở hữu bị âm.
Về hoạt động kinh doanh, công ty đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư tài sản để đạt mục tiêu doanh số và lợi nhuận năm 2021 lần lượt đạt 2.025 tỷ đồng và 59 tỷ đồng.
Phía Gỗ Trường Thành cho biết, công ty đã có đủ đơn hàng cho các chủ đầu tư tới hết năm nay khi được các tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, Sungroup, Vạn Thịnh Phát, Đất Xanh,…giao cho hàng loạt dự án trọng điểm.
Với sản phẩm tủ bếp, hiện nhà máy đã hoạt động ổn định và cũng nhận được đủ hơn hàng đến cuối năm. Nhà máy tủ bếp có công suất 60 container/tháng tương đương khoảng 50 tỷ đồng/tháng.
Công ty cũng cho biết tháng 4 năm nay nhà máy sofa 2 đi vào hoạt động, công suất nhà máy 1 và 2 khoảng 150 container/tháng, doanh số bình quân 40 tỷ đồng/tháng. Hai nhà máy này cũng đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện tới hết năm.
Ngoài ra, Gỗ Trường Thành cũng cho biết đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép công suất 9.000 m3/tháng tại Bình Định. Công ty cho rằng lợi thế của mình là nguồn ván tự sản xuất để cung cấp cho nhà máy tủ bếp. Ban tổng giám đốc công ty ước tính mỗi container mặt hàng tủ bếp xuất khẩu sang Mỹ cần tới m3 ván ép.
Gỗ Trường Thành cho biết trong năm nay, công ty tiếp tục thanh lý hàng tồn kho và đặc biệt là các mặt hàng gỗ quý hiếm đã tồn đọng lâu năm.Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, tại ngày 31/3, tổng giá trị hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành là gần 1.193 tỷ và phải trích lập dự phòng 388 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nguyên vật liệu là 618 tỷ.
Phương án khắc phục tiếp theo được Gỗ Trường Thành đưa ra là việc công ty đã được thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ lên gần 4.112 tỷ đồng.
Nguồn tiền huy động sẽ được dùng để trả nợ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) hơn 123 tỷ và bổ sung vốn lưu động. Sau khi trả nợ DongA Bank xong công ty có thể vay thương mại tại ngân hàng bình thường lại. Doanh nghiệp cũng cho biết dự kiến quý III hoặc đầu quý IV năm nay sẽ hoàn tất đợt phát hành.
Sau khi hoàn tất tăng vốn cùng hoạt động kinh doanh tốt lên thì công ty cho rằng sẽ khắc phục dứt điểm được tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Về hoạt động đầu tư, Gỗ Trường Thành dự kiến sẽ chuyển nhượng vốn tại loạt công ty con hoạt động kém hiệu quả trong năm nay gồm: CTCP Lâm Nghiệp Trường Thành, CTCP Trồng rừng Trường Thành, CTCP Trường Thành Xanh, Công ty TNHH Trồng rừng Thường Thành OJI.
Công ty cho biết giá trị tài sản thuần hết năm 2020 của Lâm Nghiệp Trường Thành khoảng 46 tỷ, Trồng Rừng Trường Thành là 20 tỷ, Trường Thành Xanh là 4,5 tỷ, Trường Thành OJI là 132 tỷ. Ngoài ra, Gỗ Trường Thành sẽ thanh lý hơn 486,3 ha rừng trồng tại Phước An, tỉnh Đắc Lắk.
Với các giải pháp trên, ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành kỳ vọng năm nay công ty sẽ tiếp tục có lãi, chấm dứt tình trạng vốn chủ sở hữu âm.