SCB vững tin với “mục tiêu xanh”

trangphan

21/11/2018 09:24

Với nguồn lực mạnh và tầm nhìn xa, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang quyết tâm ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực chuỗi giá trị rau củ quả.

Với nguồn lực mạnh và tầm nhìn xa, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang quyết tâm ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực chuỗi giá trị rau củ quả. “Chúng tôi coi đây là lĩnh vực có tiềm năng và lợi nhuận cao”, lãnh đạo SCB khẳng định. Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam đã tới được 60 thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt mức kỉ lục 3,45 tỉ USD, tăng 40,5% so với năm 2016. Dù lập kỉ lục nhưng đến nay Việt Nam chỉ mới chiếm 1% tổng quy mô thị trường rau củ quả toàn cầu, điều đó có nghĩa cơ hội để chúng ta mở rộng sự hiện diện trên thị trường thế giới vẫn rất lớn.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn (SCB), dự báo rau củ quả sẽ là hướng đi mũi nhọn cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, khi mà người tiêu dùng thế giới ngày càng hướng vào các sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe. Điều đó giải thích cho định hướng mới của SCB: tài trợ chuỗi giá trị rau củ quả. SCB triển khai hướng đi này trong bối cảnh mảng khách hàng cá nhân và cho vay doanh nghiệp các lĩnh vực khác của SCB đang có tiền đề phát triển tốt (theo số liệu sơ bộ riêng lẻ của ngân hàng, tổng tài sản của SCB năm 2017 tăng trưởng 22,8%, tín dụng tăng 20%, đều cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành). SCB cũng sắp hoàn thành chặng đường tự tái cấu trúc cho chính mình và tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II.

Số liệu riêng lẻ sơ bộ của ngân hàng năm 2017 cho thấy tỉ lệ nợ xấu của SCB cuối 2017 là 0,45% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm là 0,68%. Con số này được coi là thành tựu vượt bậc nếu so với tỉ lệ nợ xấu 7,25% vào đầu năm 2012, thời điểm 3 ngân hàng (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, SCB) mới hợp nhất để hình thành nên SCB ngày hôm nay.

SCB cũng đang có những thay đổi tích cực để tăng năng lực tài chính, bên cạnh nâng cao mạnh mẽ năng lực quản trị, nhân sự, công nghệ… Ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 14.295 tỉ đồng lên 16.000 tỉ đồng. SCB cũng đang trong quá trình thương thảo, tìm kiếm một nhà đầu tư nước ngoài có đầy đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để cùng nhau đồng hành thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại. Nếu tìm được nhà đầu tư nước ngoài thực sự phù hợp trong thời gian tới, năng lực của SCB dự kiến sẽ còn thay đổi đáng kể. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của SCB cũng không ngừng được mở rộng tại TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Hà Nội và một số tỉnh duyên hải miền Bắc… Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho SCB mở mới thêm 2 Chi nhánh và 9 Phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên 239 điểm tại 28 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là minh chứng cho hoạt động hiệu quả và định hướng phát triển đúng đắn của SCB vì ngân hàng phải thỏa rất nhiều điều kiện khắt khe từ hiệu quả hoạt động đến quản trị rủi ro… để được cấp phép mở một điểm giao dịch.

Đến tháng 02.2018, SCB đã khai trương 2 Chi nhánh mới tại Thanh Hóa và Thái Bình, và 3 phòng giao dịch tại Bình Dương, Nghệ An, và Gia Lai. Hướng đi mới trong nông nghiệp có thể tạo ra lợi thế dài hạn cho tương lai ngân hàng SCB. Vị Tổng Giám đốc có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính cho biết: “SCB đã có nền tảng cho vay phát triển nông nghiệp trong những năm qua, chúng tôi coi đây là lĩnh vực có tiềm năng và lợi nhuận cao”. Cũng theo Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, chuỗi giá trị rau củ quả một khi xây dựng thành công sẽ tạo tiếng vang cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời sẽ mở ra một phân khúc thị trường vô cùng tiềm năng cho các sản phẩm – dịch vụ tài chính của ngân hàng. Ông Văn nêu rõ SCB hiện nay xác định cho vay theo mô hình chuỗi giá trị thế hệ mới.

Nếu như trước đây, hoạt động tín dụng ngân hàng chỉ hướng đến đối tượng đơn lẻ là nông hộ, hoặc những công ty sản xuất, thì ngược lại, đối tượng cho vay trong chuỗi sẽ đa dạng hơn, bao gồm cả các nhà cung cấp phân bón, cung cấp giống, đến người nông dân, đến công ty thu mua, xuất khẩu. Do vậy, khi cho vay theo chuỗi giá trị khép kín, mức độ cam kết của người đi vay sẽ cao hơn, ông Văn cho biết. Thêm nữa, tài trợ cho các liên kết trong chuỗi còn giúp ngân hàng quản lý chặt chẽ hơn dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tăng trưởng tín dụng an toàn và góp phần mở rộng đối tượng cho vay. “Việc các ngân hàng thương mại tài trợ cho các liên kết trong chuỗi giá trị sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng và bảo đảm việc cho vay ở khâu sau sẽ tạo thị trường cho khâu trước”, lãnh đạo SCB đúc kết.

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, tín dụng nông nghiệp không còn là “địa bàn” riêng của Agribank nữa (chiếm hơn 70% dư nợ) nhờ vào các chính sách khuyến khích tăng trưởng dư nợ cho vay trong nông nghiệp từ Chính phủ. Một trong những điểm đột phá đáng kể là Nghị định số 55/2015, cho phép doanh nghiệp, tổ chức đầu mối liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể được vay tín chấp lên tới 70-80% giá trị của dự án. Thêm nữa, các ngân hàng thương mại được hưởng nhiều ưu đãi như giảm dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn, bù chênh lệch lãi suất… để hạ lãi suất đầu ra trong khu vực này. Kết quả, bình quân trong giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp khu vực nông thôn là 19,35%/năm. Với hệ thống chi nhánh phòng giao dịch rộng khắp, đặc biệt là khu vực TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, SCB đang tích cực tham gia vào hoạt động cho vay chuỗi nông nghiệp. SCB cũng đã bắt đầu giải ngân nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua, ông Văn cho biết thêm. Chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc để tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Cũng phải thừa nhận rằng không dễ dàng để thiết lập một chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp, nhưng phần thưởng cho thành công cũng sẽ hết sức ngọt ngào. Sự dấn thân của SCB vào địa hạt này cho thấy một tầm nhìn dài hạn và đây chắc chắn là một hướng đi đúng đắn vì mục tiêu phát triển bền vững. Dũng Nguyễn.

trangphan
Bạn đang đọc bài viết "SCB vững tin với “mục tiêu xanh”" tại chuyên mục Tài chính.