Sau thương vụ bất thành với Mobifone, truyền hình An Viên của ông Phạm Nhật Vũ sắp được bán cho một ngân hàng và một công ty công nghệ Việt Nam?

Hồng Anh

24/06/2022 20:00

Không chỉ xuất hiện tin đồn chuyển nhượng, mới đây AVG đã có sự thay đổi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Thông tin từ website AVG cho biết ông Vũ Minh Trí sẽ là CEO của AVG.

Ngày 24/6/2022, nguồn tin của ICTNews cho hay, CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã được chuyển nhượng sang đối tác mới. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn trong vòng bí mật và công ty chưa đưa ra thông tin chính thức. Cũng theo nguồn tin này, một ngân hàng lớn của Việt Nam và một công ty công nghệ đã tham gia vào thương vụ với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái số của ngân hàng trên và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ số tiện ích.

Không chỉ xuất hiện tin đồn chuyển nhượng, mới đây AVG đã có sự thay đổi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Thông tin từ website AVG cho biết ông Vũ Minh Trí sẽ là CEO của AVG.

Được biết, hiện ông Vũ Minh Trí là Tổng giám đốc Asim Telecom. Ông Trí (sinh năm 1973) là một cái tên vô cùng quen thuộc trong giới công nghệ tại Việt Nam.

vu-minh-tri-1-1656066039.jpg
Ông Vũ Minh Trí - người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc CTCP Nghe nhìn Toàn cầu

Mặc dùng ông tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP. HCM với chuyên ngành dầu khí nhưng thực tế công nghệ mới là mảng ông ghi nhiều dấu ấn. Ông từng là Tổng Giám đốc của Sony Ericsson, Yahoo! và Micosoft tại thị trường Việt Nam, với Qualcomm là phụ trách cả thị trường Đông Dương và Thái Lan.

Vào tháng 7/2012, ông Vũ Minh Trí đã khiến cả giới công nghệ Việt Nam cảm thấy tự hào khi được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Bởi rất hiếm người Việt được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn làm đại diện cho họ tại thị trường Việt Nam vào thời điểm ấy. Sau đó, ông còn từng đầu quân cho Tập đoàn chuyên về giáo dục Nguyễn Hoàng và VNG.

Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 8/2021, ông đã chính thức rời VNG để gia nhập CTCP Viễn Thông Asim (Asim Telecom). Công ty này bắt đầu hoạt động từ ngày 24/10/2019, có trụ sở tại quận Tân Bình – TPHCM, với lĩnh vực hoạt động là viễn thông không dây.

Đầu tháng 5/2021, Asim đã ra mắt sim điện thoại tên Local, để chính thức trở thành nhà mạng di động thứ 8 của Việt Nam. Sim Local sử dụng hệ thống hạ tầng của MobiFone, nên sim của họ cũng sử dụng đầu số 089.

CTCP Nghe nhìn Toàn cầu được biết đến là doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vũ – em trai ông Phạm Nhật Vượng - sáng lập nên. Trong đó, AVG là viết tắt của Audio Visual Global. Theo các thông tin tổng hợp, trong vai trò là Chủ tịch của Tập đoàn An Viên, từ năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, AVG được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 10/2010. Ngày 11/11/2011, Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho AVG với thương hiệu Truyền hình An Viên.

Ngoài AVG, Tập đoàn An Viên khi đó có khá nhiều công ty con như Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức…

Có thể nói từ khi chính thức phát sóng, AVG đã luôn tạo ra những “quả bom” trên truyền thông. Trong đó, không ai lại chưa từng nghe nhắc đến vụ “cãi nhau” với bầu Kiên và thương vụ mua bán trị giá gần 9.000 tỷ của Mobifone đã đẩy hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và cựu lãnh đạo nhà nước vào vòng lao lý.

Cu thể, vào năm 2012, AVG mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Bầu Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên) đã đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này. Ông Kiên đề nghị VFF xem lại hợp đồng này bởi nó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới bóng đá Việt Nam. Đề nghị của ông Kiên được 28 CLB dự giải hạng Nhất và V-League 2012 ủng hộ. Theo đó, các ông “bầu” đề nghị VFF phải để VPF quyết định vấn đề bản quyền truyền hình đồng thời tự quyết định mức ăn chia dựa theo cổ phần của mỗi cổ đông (14 CLB và VFF). Sau nửa năm chiến đấu gay gắt, mọi chuyện chìm vào im lặng, còn ông Kiên đã bị bắt và hầu tòa với 4 tội danh.

Thương vụ với Mobifone còn rúng động hơn.

Tháng 1/2016, MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG và đổi tên Truyền hình An viên thành Truyền hình MobiTV. MobiFone đã chi ra 8.890 tỷ đồng để mua lại 344,66 triệu cổ phiếu, tương đương 95% cổ phần của AVG với mức giá khoảng 25.800 đồng/cp.

Tuy nhiên sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1344/TTg-V.I ngày 01/8/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2220/QĐ-TTCP ngày 26/8/2016 thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. 

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2018, MobiFone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của MobiFone tại AVG. Tổng số tiền MobiFone đã thu lại là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ và các chi phí khác. MobiFone cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Ông Phạm Nhật Vũ bị tuyên an 3 năm tù về tội đưa hối lộ

Theo cáo trạng, là người đại diện theo pháp luật, ông Vũ được các cổ đông AVG ủy quyền giao dịch trong thương vụ bán 95% cổ phần AVG cho MobiFone.

Phạm Nhật Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp nhưng vì mong muốn bán được cổ phần với giá cao nên ông Vũ đưa thông tin về việc AVG bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông với giá 700 triệu USD, đã nhận tiền cọc 10 triệu USD.

Để thương vụ mua bán được nhanh chóng, ông Vũ nhiều lần đề nghị ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT) chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện giao dịch.

Đầu năm 2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương gần 8.500 tỷ đồng cho 8 cổ đông của AVG. Riêng ông Vũ được hưởng trên 5.850 tỷ.

Thương vụ thành công theo đúng mong muốn và có lợi nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD; đưa ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng TT&TT) 200.000 USD; Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone) 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) 500.000 USD.

Cơ quan công tố xác định hành vi vi phạm của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.

 

Sáng 28/12/2019, Hội đồng xét xử tuyên cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ  mức án 3 năm tù về tội đưa hối lộ. Lý do cho mức án này là cựu Chủ tịch AVG đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại gần 9.000 tỷ; cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của 13 bị can còn lại. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo 6 tỉnh, thành phố có đơn đề nghị xét cho bị can Vũ được hưởng chính sách khoan hồng.

Tháng 9/2019, trên website chính thức của dịch vụ truyền hình MobiTV xuất hiện dòng thông báo đổi tên thành VivaTV. Đây là lần thứ hai AVG đổi tên dịch vụ truyền hình trả tiền.

Hồi tháng 12/2020, AVG công bố chiến lược mới với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình và nội dung đa nền tảng.

Hiện thị trường truyền hình được xem là cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty của Việt Nam với nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài như Netflix, Facebook, Google… Tuy nhiên, những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới và mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm miếng doanh thu rất lớn của các đơn vị truyền hình. Mạng xã hội và các phương thức truyền thông đa phương tiện, các thiết bị thông minh, xu hướng số hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ khiến các đơn vị truyền hình gặp nhiều thách thức trong việc duy trì lượng khán thính giả và phát triển các nền tảng số. 

Tình hình AVG như thế nào khi bị điều tra?

Theo Thanh tra Chính phủ, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là 3.260,686 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ). 

Khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Hồng Anh