Sau gần 35 năm hành trình tìm công lý, doanh nhân Lâm Hồng Sơn được bồi thường gần 3 tỷ đồng

Đăng Bình

25/06/2024 14:53

Ngày 25/06/2024, doanh nhân Lâm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo đã được VKSND tỉnh An Giang và VKSND tỉnh Long An trao quyết định bồi thường thiệt hại gần 3 tỷ đồng vì đã bắt giam oan ông hai lần gần 35 năm trước.

 

Sáng 25/6/2024, tại trụ sở VKSND Long An, đại diện VKSND tỉnh An Giang và VKSND tỉnh An Giang đã trao quyết định bồi thường thiệt hại cho ông Lâm Hồng Sơn, 68 tuổi, Việt kiều Mỹ, nguyên Giám đốc Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo (vốn có trụ sở đóng tại tỉnh An Giang).

Theo đó, VKSND An Giang bồi thường cho ông Lâm Hồng Sơn hơn 2,7 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và các chi phí khác.

img-6135-1719300697.JPG
 
img-6136-1719300819.JPG
Nội dung kết quả thương lượng về bồi thường thiệt hại giữa VKSND tỉnh An Giang và ông Lâm Hồng Sơn

Còn theo quyết định của VKSND tỉnh Long An thì ông Lâm Hồng Sơn được bồi thường tổng cộng hơn 209 triệu đồng.

Hai quyết định bồi thường của VKSND tỉnh An Giang và VKSND tỉnh Long An đối với ông Lâm Hồng Sơn có hiệu lực sau 15 ngày. Trong thời gian này, nếu ông Lâm Hồng Sơn Sơn không đồng ý thì có quyền khởi kiện. Còn nếu ông Lâm Hồng Sơn đồng ý với quyết định bồi thường thì VKSND hai tỉnh này sẽ tiếp tục lập dự trù ngân sách để chi trả tiền cho ông Sơn.

Trao đổi với tôi về cảm xúc của mình khi đòi bồi thường hơn 6 tỷ đồng nhưng chỉ được VKSND hai tỉnh An Giang và Long An bồi thường chỉ được gần một nửa, ông Lâm Hồng Sơn cho biết: "Thế là cũng tạm ổn định rồi đó nhà báo ạ. Anh chỉ mong sớm nhận được tiền bồi thường để  còn chăm lo cho cha già đang nằm bệnh viện".

Trước đó vào ngày 28/5/2024, VKSND tỉnh An Giang phối hợp với VKSND tỉnh Long An đã tổ chức thực hiện xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông Lâm Hồng Sơn sau gần 35 năm ông hành trình tìm công lý vì bị bắt giam oan hai lần về cáo buộc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.

Đây là trường hợp một doanh nhân bị rơi vào cảnh oan sai và mất gần hết tài sản mà tôi (tác giả bài báo này) đã từng viết loạt bài điều tra phản ánh vào năm 2002 trên Báo Pháp Luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) khi tôi còn công tác tại cơ quan báo chí này.

Câu chuyện hơn hai mươi năm về trước, vào một ngày nọ của tháng 6/2002, một người đàn ông tiều tụy khoảng 50 tuổi với một tập hồ sơ khiếu nại dày cộm tìm đến cơ quan gặp tôi để phản ánh về việc oan sai của mình, đó là ông Lâm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo.

Ông Lâm Hồng Sơn cho biết ông bị các cơ quan tố tụng tại tỉnh An Giang và Long An khởi tố, bắt tạm giam oan sai 2 lần vào năm 1990 và 1991. Ông đã gửi hàng trăm lá đơn đề nghị được phục hồi danh dự và trả lại tài sản nhưng đã hơn 20 năm trôi qua, ông vẫn phải chờ đợi trong tuyệt vọng.

Cụ thể sau khi ra tù, ông Sơn nộp đơn khởi kiện Công an tỉnh An Giang ra TAND tỉnh An Giang để đòi lại tài sản, gồm giá trị xí nghiệp thức ăn gia súc do ông bỏ vốn đầu tư với tổng giá trị 30 lượng vàng và 217 triệu đồng; trả lại cho ông vốn đầu tư 1,2 tỉ đồng và bồi thường giá trị xuất khẩu theo hợp đồng bị thiệt hại là 3,3 triệu USD.

Điều đáng nói là ông Lâm Hồng Sơn khởi kiện từ năm 1991, nhưng tận 10 năm sau TAND tỉnh An Giang mới đưa vụ án ra xét xử. Năm 2001 TAND tỉnh An Giang đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Sơn vì cho rằng đơn khởi kiện của ông không có căn cứ.

Sau khi tìm hiểu nội dung vụ việc, tôi đã viết loạt bài phản ánh về trường hợp oan sai của doanh nhân Lâm Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo đăng trên Báo Pháp Luật Việt Nam vào năm 2002. Những bài viết này đã tiếp lửa cho ông Lâm Hồng Sơn trên chặng đường khiếu nại, khởi kiện cơ quan tố tụng tìm công lý cho bản thân.

ong-lam-hong-son-va-nha-bao-dang-binh-1719302790.jpg
Doanh nhân Lâm Hồng Sơn (bên trái) và tác giả trong dịp gặp lại vào năm 2018.

Một thời gian sau, trong khi vụ việc oan sai của ông Lâm Hồng Sơn chưa được các cơ quan pháp luật có liên quan giải quyết xong thì ông Lâm Hồng Sơn và gia đình xuất cảnh sang Mỹ. Sau đó ông Sơn chính thức có quốc tịch Mỹ.

Năm 2018 ông Lâm Hồng Sơn trở về Việt Nam. Gặp lại tôi, ông Sơn cho biết ông vẫn đang theo đuổi vụ việc oan sau của mình, cụ thể là ông đang khiếu nại đòi các cơ quan pháp luật có liên quan xin lỗi công khai, phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại cho ông. Người được ông mời hỗ trợ pháp lý là Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật sư TPHCM.

Trong ngày gặp lại, điều làm tôi bất ngờ nhất là những số báo Pháp Luật Việt Nam có đăng bài viết của tôi về vụ việc oan sai của ông Lâm Hồng Sơn được ông lưu giữ cẩn thận và đóng thành một tập dày để làm hành trang hỗ trợ ông tìm công lý cho chính mình.

Mấy năm gần đây, vì muốn có điều kiện chăm sóc cha già tuổi cao bệnh nặng nên Việt kiều - doanh nhân Lâm Hồng Sơn thường xuyên ở Việt Nam. Một phần cũng để ông có mặt khi các cơ quan tố tụng tỉnh An Giang mời làm việc. Mới đây hình ảnh các anh em  của ông tổ chức sinh nhật cho cha khi ông cụ vẫn nằm trên giường bệnh đã khiến cho nhiều người vô cùng xúc động.

Vụ việc oan sai của doanh nhân Lâm Hồng Sơn khởi nguồn từ năm 1989 khi ông hợp tác với Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân tỉnh An Giang (nay là Công an tỉnh An Giang) lập Xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc Châu Đốc. Sau đó, các bên ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty liên doanh chế xuất dịch vụ Ancressdo và ông Lâm Hồng Sơn được cử làm giám đốc công ty kiêm giám đốc xí nghiệp.

Vào thời điểm đó, doanh nhân Lâm Hồng Sơn đã bỏ 30 cây vàng xây cất nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị, triển khai hoạt động và nộp khoán mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho công an tỉnh An Giang. 

Đầu năm 1990, khi ông Sơn đang thực hiện hợp đồng mua bán sắt trị giá 200 triệu đồng giữa Ancresdo và Công ty kinh doanh tổng hợp huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) thì Công an An Giang thông báo "ông Lâm Hồng Sơn không phải là người của Ancresdo".

Công an tỉnh Long An đã khởi tố, bắt giam ông Sơn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong khi Công an Long An đang thụ lý vụ án, Công an An Giang làm biên bản "xin mượn bị can 2 ngày để làm việc" nhưng giam ông Sơn luôn 3 tháng.

Sau đó ông Sơn được bàn giao lại cho Công an Long An tiếp tục điều tra, đến ngày 16/5/1990, cơ quan này ra quyết định trả tự do và đình chỉ điều tra bị can với lý do hành vi của ông ông Sơn "không cấu thành tội phạm".

Sau khi được Công an tỉnh Long An trả tự do, ông Sơn trở về thì những tài sản đã bỏ vốn đầu tư vào việc sản xuất thức ăn gia súc và góp vốn kinh doanh ở Ancresdo đã không còn gì đáng kể. Ông làm đơn kiện Công an tỉnh An Giang ra TAND tỉnh An Giang để đòi bồi thường. Cuối tháng 11/1990, tòa ra quyết định thụ lý vụ kiện.

Tuy nhiên, hai tuần sau, vào ngày 15/12/1990, khi ông Sơn đến tòa làm việc thì bị Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam về cáo buộc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Sau thời gian điều tra, Công an tỉnh An Giang kết luận ông Sơn lợi dụng lòng tin của nhiều cá nhân tổ chức vay mượn số tiền, vàng lớn để kinh doanh nhưng không trả. VKSND tỉnh An Giang sau đó chuyển sang truy tố ông Sơn về tội Trốn thuế với số tiền hơn 36 triệu đồng vì nhập 13 xe du lịch khi bán xong không nộp thuế. Đồng thời, cơ quan này đề nghị buộc ông Sơn trả số tiền nợ cho một số cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên vào ngày 13/11/1991, VKSND tỉnh An Giang cho rằng căn cứ buộc tội ông Sơn không vững chắc nên ra quyết định trả tự do; 6 ngày sau ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Như vậy trong hai năm 1990, 1991, doanh nhân Lâm Hồng Sơn đã bị khởi tố, bắt giam oan hai lần khiến cơ ngơi do ông bỏ tiền, vàng đầu tư  bốc hơi gần hết. Từ đó đến nay, với gần 35 năm ông Lâm Hồng Sơn đã có một hành trình dài khiếu nại, khởi kiện ... tìm công lý cho chính mình. 

Năm 2005, TAND tỉnh An Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 và tiếp tục bác đơn khởi kiện của ông Sơn. Tuy nhiên, bản án này lại bị cấp phúc thẩm tuyên hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng. 

Khi thụ lý sơ thẩm lại lần 3, TAND tỉnh An Giang đã đình chỉ vụ án.

Cuối năm 2019, ông Lâm Hồng Sơn nộp hồ sơ khởi kiện lại vụ án đòi tài sản đến TAND tỉnh An Giang, tuy nhiên đến nay vụ kiện vẫn chưa được tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng.

Việc VKSND tỉnh An Giang và Long An tổ chức thực hiện xin lỗi công khai, phục hồi danh dự và quyết định bồi thường thiệt hại cho ông Lâm Hồng Sơn sau gần 35 năm ông hành trình tìm công lý vì bị bắt giam oan hai lần về cáo buộc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế bước đầu đã xoa dịu nỗi đau cũng như giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nhân Lâm Hồng Sơn.

Tuy nhiên dư luận vẫn đang chờ đợi phán quyết từ Toà án đối với vụ kiện dân sự mà doanh nhân Lâm Hồng Sơn đã và đang theo đuổi  đó là yêu cầu Công an tỉnh An Giang giao trả lại số tiền ông đã đầu tư vào công ty thời bấy giờ, cũng như thiệt hại về số hàng hóa nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu bị phá vỡ... Tổng số tiền ông Lâm Hồng Sơn đang khiếu kiện là gần 4 triệu USD và Tòa án tỉnh An Giang đã thụ lý gần 4 năm nay nhưng vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Đăng Bình