Tôi chính thức đầu quân cho Báo Pháp Luật Việt Nam (PLVN- cơ quan của Bộ Tư pháp) sau khi đã trải qua nhiều năm "nhảy cóc" làm phóng viên ở một vài tờ báo khác nhau ở TPHCM. Gần 20 năm gắn bó với báo PLVN trên nhiều cương vị, có thể nói PLVN chính là "sàn võ" để tôi "luyện công nghề báo" trên nền tảng một cử nhân luật đam mê nghề viết lách.
Tôi được Tòa soạn phân công theo dõi mảng pháp đình suốt ngày ngồi lê đôi mách ở tòa án, có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với nhiều đương sự, quan tòa, đặc biệt là giới luật sư để viết hàng ngàn bài báo xung quanh các vấn đề pháp luật nổi cộm, nhiều thân phận đáng thương và các vụ án được dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm phóng viên pháp đình, điều khiến tôi day dứt là hình ảnh tuyệt vọng của những người dân làm đơn khiếu nại xin xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (GĐT) nhưng bị Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao trả lời “không có cơ sở kháng nghị” buộc họ tìm đến cơ quan báo chí nơi tôi công tác để kêu cứu.
Có hai lão nông ở tỉnh Bình Dương, thông qua sự giới thiệu của luật sư, đã tìm đến văn phòng báo gặp tôi. Hồ sơ họ cung cấp thể hiện cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử không khách quan khiến họ bị thua kiện, mất đất. Trong lúc họ đang tuyệt vọng, có một luật gia nọ xuất hiện và cam kết sẽ “chạy” được kháng nghị theo thủ tục GĐT. Như người chết đuối vớ được đám bèo lục bình trôi ngang, họ bám víu vào vị luật gia nọ. Không ngờ ông luật gia kia vẽ hươu vẽ vượn, lấy của họ gần 2 tỷ đồng để “chạy” kháng nghị theo thủ tục GĐT nhưng cuối cùng hai lão nông chỉ nhận được Biên nhận tiếp nhận đơn khiếu nại của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao khiến tiền mất tật mang.
Xin GĐT, đó là khi bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đương sự cảm thấy mình bị oan sai, tuy nhiên họ không còn quyền kháng cáo nữa mà chỉ còn cách duy nhất là viết đơn cầu cứu để được người có thẩm quyền ở Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị với hy vọng bản án đó được xem xét lại theo thủ tục GĐT. Bởi vậy dù khá tốn kém, họ cũng cố gắng đeo bám để khiếu nại cho bằng được với quan điểm thà lấy được chút gì còn hơn thua kiện mất trắng. Có những người nghèo, lâm vào cảnh bị xử oan sai, phải bỏ bê công việc làm ăn, vay mượn tiền bạc lặn lội ra tới Hà Nội để kêu oan. Thế nhưng, những cuộc hành trình xin GĐT đó chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. Rốt cuộc họ không kêu oan được lại còn lâm vào cảnh khốn cùng vì nợ nần chồng chất.
Thực trạng xét xử "sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng" khiến người dân càng quyết tâm tìm công lý sau khi bị thua kiện. Một số luật sư tâm sự với tôi rằng có nhiều người dân đến khóc lóc khẩn cầu giúp đỡ, xem xét việc làm đơn xin GĐT một bản án đã xử hết sức oan sai và vi phạm pháp luật. Việc đầu tiên luật sư nói với người dân là đó chẳng khác gì như “mò kim đáy bể” trong tình hình có quá nhiều đơn khiếu nại án oan sai tại Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nhưng rồi cuối cùng luật sư cũng phải nhận đơn và thở dài: “Thôi thì “phước chủ may thầy”, luật sư chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”. Rồi luật sư cặm cụi làm đơn, nhiều đêm mất ngủ trước những nghi án oan khiên, trước bức thành trì hết sức kiên cố của việc GĐT, chờ đợi mà vẫn “sao chưa thấy hồi âm”. Mà nếu có nhận được công văn trả lời thì chỉ vỏn vẹn một câu: “Chúng tôi có nhận được đơn xin cứu xét GĐT bản án của ông bà ngày..., sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi thấy không có căn cứ để giải quyết theo yêu cầu của ông bà”.
Thời điểm 2005 - 2006, số vụ việc yêu cầu được xét lại theo thủ tục GĐT ngày một tăng, trong khi số vụ việc được kháng nghị chỉ đạt tỷ lệ khoảng 3%, đã khiến nhiều người đi đến những hoài nghi: Vậy thực ra hoạt động xét xử của hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã đạt chất lượng cao, mà con số chỉ có 3% trong tổng số gần 10.000 vụ xin GĐT của năm 2005 bị kháng nghị là một minh chứng?
Hay ngược lại, con số này đã phản ánh trung thực tình trạng yếu kém trong hoạt động giải quyết oan sai của cơ quan thẩm quyền? Thực tế Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có rút hồ hơ vụ án có đơn xin GĐT lên để xem xét hay không, hay "tự động" trả lời chỉ trên cơ sở "Đơn Xin" GĐT của đương sự? Những bức xúc đó của người dân đã khiến tôi luôn ấp ủ một lúc nào đó phải tìm cách "giải mã" cái thực trạng đáng buồn này.
Đầu tháng 6/2006, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tư liệu do bạn đọc cung cấp, được sự động viên của một số bạn bè tâm huyết công tác trong và ngoài ngành pháp luật, đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình của một số luật sư, tôi bắt đầu thực hiện loạt bài điều tra mang tên “Thực trạng xin GĐT như mò kim đáy bể” đăng trên Báo PLVN.
Loạt bài này dài 27 kỳ, kéo dài từ tháng 6/2006 đến tháng 9/2006, với số liệu và chứng cứ thuyết phục đã phản ánh, mổ xẻ những bất cập trong công tác xét xử và giải quyết đơn khiếu nại GĐT ở Việt Nam, như: “Vì sao chỉ có 3% vụ án kêu oan được kháng nghị?”; “Vì sao số vụ xin GĐT gia tăng?”; “Làm gì để giảm số vụ việc xin GĐT?”; “Phát hiện bản án oan và kháng nghị, hoạt động nào là trung tâm?”; “Cơ chế nào giám sát người có quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT?”; “Giai đoạn tiền kháng nghị đang vận hành trong tư thế thiếu luật”; “Hai nông dân tốn gần 1 tỷ đồng để đi xin GĐT”; “Biết án xử sai vẫn không kháng nghị”; “Án dân sự xử, trả lời thế nào cũng được”; “Khi thẩm phán làm sai lệch hồ sơ vụ án”...
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu vào thời điểm đó mà Ban Biên tập Báo PLVN không bản lĩnh thì loạt bài đó khó có thể đăng lên báo vì nó đụng chạm đến toàn bộ hệ thống Toà án. Vì vậy, mỗi bài báo viết xong, tôi hồi hộp chờ bài viết của mình được lãnh đạo Ban Biên tập duyệt để “ra lò”.
Kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3... rồi đến kỳ thứ 27, mỗi kỳ chiếm nguyên diện tích 1 trang báo với những lập luận sắc bén, chứng cứ thuyết phục, loạt bài điều tra đã “gãi” đúng vấn đề mà nhiều người dân đang bức xúc. Nhiều người dân đang hành trình khiếu nại xin giám đốc thẩm đã sưu tầm, cắt 27 bài báo này đóng thành tuyển tập coi như "cuốn cẩm nang" để tiếp tục hành trình tìm công lý. Mỗi kỳ báo đăng lên, tôi lại nhận được sự chia sẻ của nhiều bạn đọc, trong đó đặc biệt có sự ủng hộ của nhiều thẩm phán. Những tín hiệu đó đã giúp tôi tăng thêm lòng nhiệt huyết đối với công việc và hăng say viết lách.
Loạt bài “Thực trạng xin GĐT như mò kim đáy bể” đã kết thúc với sự đón nhận nhiệt tình của độc giả. Năm 2007, loạt bài báo dài 27 kỳ này đã được Nhà xuất bản Công An Nhân Dân (thuộc Bộ Công an) tập hợp xuất bản thành quyển sách “Giải mã giám đốc thẩm” như để tiếp thêm niềm tin cho những người dân vẫn đang hành trình tìm công lý.
Loạt bài “Thực trạng xin GĐT như mò kim đáy bể” dài 27 kỳ đăng trên Báo PLVN vào năm 2006 là thể loại báo chí điều tra với ngồn ngộn số liệu thuyết phục, có thể coi là tác phẩm báo chí mảng nội chính thành công nhất của tôi trong thời gian công tác ở Báo PLVN. Để viết một đề tài báo chí dài kỳ như thế, đòi hỏi nhà báo phải nắm chắc lý luận và thực tiễn của vấn đề, thu thập được nhiều thông tin, chứng cứ, biết cách triển khai vấn đề một cách khoa học nhất, biết cách viết cuốn hút bạn đọc nhất.
Nhà báo cũng không thể viết thành công loạt bài dài kỳ nếu thiếu sự hỗ trợ tích cực từ phía giới luật gia, luật sư. Đặc biệt khi triển khai đề tài, phải có được sự ủng hộ cũng như bản lĩnh của Ban Biên tập. Nhớ lại, Tổng biên tập Báo PLVN lúc bấy giờ, anh Lê Cảnh Thuận nhiều lần gọi điện cho tôi tâm sự rằng cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp cũng chịu nhiều áp lực từ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI, chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Lộc đã nêu loạt bài này để chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện và ông Hiện thừa nhận báo phản ánh đúng thực trạng của ngành Tòa án nên Ban biên tập càng vững lòng hơn.
Loạt bài "Thực trạng xin giám đốc thẩm như mò kim đáy bể" kéo dài đến tận 27 kỳ đã góp phần tạo dựng uy tín của tờ báo PLVN đối với độc giả, đặc biệt đã tiếp thêm niềm tin cho những người dân đang hành trình tìm công lý mang tên "xin giám đốc thẩm".
Hoàng Việt (TPHCM)
09:56 20/06/2022
Tuyệt vời nghề báo
Kim Loan
09:18 20/06/2022
Đề tài điều tra hay quá. Ngưỡng mộ Nhà báo Tổng biên tập.