Sáng 14/8: 531 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, đề xuất nghiên cứu tiêm vaccine dịch vụ

Trung Kiên

14/08/2021 07:44

Tính đến nay, Việt Nam có 255.748 ca mắc COVID-19, có 92.738 bệnh nhân đã được chữa khỏi, 5.088 ca tử vong, 531 ca nặng và nguy kịch. Ban Dân vận Trung ương đề xuất nghiên cứu tiêm vaccine dịch vụ giúp doanh nghiệp có thể tổ chức tiêm cho nhân viên, bảo vệ sức khỏe người lao động.

tiem-vacxin-covid-19-1628901694.jpeg

Đến nay cả nước tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca mắc Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).

05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).

Tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi: 92.738 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 511 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Tổng số ca tử vong là 5.088 ca. Trong đó TPHCM có 3.980 ca, chiếm 78,2% số ca tử vong  cả nước. 

Đến nay tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.

Bộ Y tế nhấn mạnh chiến lược giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong do dịch COVID-19. 

Ngày 13/8, tại hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 , GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh chiến lược giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong do dịch COVID-19. 

Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời nhắc lại thêm một lần nữa: Các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn luôn có oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng của bệnh nhân. 

Tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả các địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập. 

"Các địa phương cần rà soát lại các tầng điều trị trên địa bàn, trên nguyên tắc tăng công suất tối đa của các tầng điều trị. Ngay tại tầng 1 phải tăng khả năng, dung lượng điều trị. Tầng thứ 2 và 3 cũng vậy, để khi dịch xảy ra, các địa phương không bị ngỡ ngàng, không hoang mang, bị động. Phải chuẩn bị cao hơn một mức"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. 

Về chuẩn bị cho công tác điều trị, người đứng đầu ngành y tế chỉ rõ hiện nay tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, đầy đủ cho công tác điều trị. Các địa phương theo đúng phương châm "4 tại chỗ" thì phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều trị về giường bệnh, oxy, máy thở (bao gồm cả HFNC) cho tầng điều trị thứ 3 và trang thiết bị phòng hộ. Việc chuẩn bị phải đồng bộ, thống nhất. 

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương huy động toàn bộ cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch COVID-19

Ngày 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn gửi bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành và các bệnh viện trường đại học huy động toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch. Sở y tế các địa phương có trách nhiệm phân công bệnh viện là cơ sở tiếp nhận, điều trị COVID-19.

Đồng thời, Bộ Y tế giao nhiệm vụ tất cả cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để tiếp nhận, quản lý, điều trị F0 khi dịch lan rộng, trong tình huống địa phương trở thành khu vực có nguy cơ rất cao.

Ban Dân vận Trung ương đề xuất nghiên cứu tiêm vaccine dịch vụ

Ngày 13/8, một lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương cho hay Ban vừa có công văn gửi Thủ tướng nêu một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến công tác chống dịch Covid-19. Trong đó, Ban kiến nghị việc "tiêm vaccine dịch vụ" cần sớm được nghiên cứu triển khai. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Theo Ban Dân vận Trung ương, các tỉnh, thành cần xem xét kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ và việc làm, đời sống cho công nhân.

Ngoài ra, Ban cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét trong trường hợp cụ thể có thể phong tỏa toàn bộ khu vực xuất hiện F0 và không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng khi có F0, và ưu tiên bệnh viện cho điều trị, dồn người cách ly ra khỏi bệnh viện trừ F0 nặng.

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sau ngày 15-8

Thông tin được Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra trong buổi chủ trì họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn ngày 13-8.

Hiện TP.HCM đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch trong giai đoạn từ ngày 15-8 đến 15-9, trong đó phân ra hai giai đoạn nhỏ từ 15-8 đến cuối tháng 8 và từ 1-9 đến 15-9. Mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến ngày 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Dự kiến ngày 15-8 TP.HCM sẽ công bố kế hoạch chính thức theo hướng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16.

Cách ly xã hội toàn TP Nha Trang, người dân và cán bộ làm việc tại nhà

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành thông báo khẩn yêu cầu từ 0 giờ sáng nay (14-8), cách ly toàn xã hội toàn bộ 26 xã, phường của TP Nha Trang. Trước đó, tối 13-8, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Khánh Hòa và Ban Thường vụ Thành ủy TP Nha Trang đã họp, thống nhất việc cách ly toàn xã hội tại TP Nha Trang từ ngày 14 đến 20-8.

Việc này được đưa ra khi tình hình dịch Covid-19 ở TP Nha Trang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến 7 giờ sáng nay (14-8), toàn tỉnh ghi nhận 85 ca mắc Covid-19 mới - nâng tổng số ca lên 4.234, trong đó TP Nha Trang có 2.197 ca nhiễm. Quá trình tầm soát liên tục phát hiện nhiều ca mắc mới.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó có công văn khẩn, yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, thực hiện nghiêm người cách ly người, trừ các trường hợp cần thiết. Cơ quan nhà nước sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà.

Trung Kiên