Mỗi năm, những ngày của tháng 3 và 4 lịch sử, hàng vạn người dân lại về Quảng Trị anh hùng, hướng về ngày hội “Thống nhất non sông”, ngày hội “Hòa Bình” để tri ân và tưởng nhớ công ơn của những người anh hùng đã ngã xuống trong chiến tranh.
"Trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử"
Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân, dân giới tuyến vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh kỳ đài chính là biểu tượng của niềm tin, ý chí và sức mạnh không bao giờ gục ngã của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu đầy kiên cường, cam go. Nơi đây, đã trở thành tuyến đầu của miền Bắc, cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị như một bản lề quan trọng góp phần mở ra con đường đi tới thống nhất đất nước. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, các anh nằm lại nơi đồng đất quê hương, hóa thân thành "trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử" và "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng".
Đất thép anh hùng và định hướng du lịch tâm linh
Mảnh đất đau thương này nay đã hồi sinh, mỗi năm đã có hàng vạn người đổ về vùng đất được ví máu và nước mắt này để tưởng niệm - tri ân. Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức các hoạt động Lễ hội “Vì Hòa bình”. Đây là Lễ hội mang tầm quốc tế nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch về mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị, kêu gọi đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, với kinh phí xã hội hóa, Quảng Trị đã xây dựng hệ thống chiếu sáng mỹ thuật và âm thanh thông minh tại di tích quốc gia đặc biệt gồm: Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng thí điểm đưa vào khai thác chương trình tham quan, thăm viếng một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vào ban đêm nhằm tạo sản phẩm độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch, tăng thời gian khách lưu trú, góp phần tăng doanh thu, phát triển KT-XH; đồng thời góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đây được xem là một điểm nhấn mới cho du lịch Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Quảng Trị - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Hà chia sẻ: "Về sản phẩm du lịch đêm, các điểm di tích ở Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và Bến thả hoa sông Thạch Hãn chủ động thiết kế các chương trình tour chi tiết để chính thức đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới và tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Chúng tôi, tích cực tuyên truyền, quảng bá và kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc để du khách có cơ hội đến với những trải nghiệm mới mẻ.
Du lịch Quảng Trị, du khách không chỉ được trải nghiệm trọn vẹn các sản phẩm du lịch ban ngày, mà còn có thể tham gia trải nghiệm các tour tâm linh vào ban đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Đây là sản phẩm du lịch mới mà tỉnh Quảng Trị đưa vào khai thác nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn.
Tour du lịch về đêm tại Thành cổ Quảng Trị, hấp dẫn và độc đáo, thích hợp đối với dòng khách quốc tế, các cựu chiến binh về thăm đồng đội, những bạn trẻ để giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng… Quảng Trị với định hướng phát triển du lịch tâm linh và thăm lại chiến trường xưa, cùng các loại hình du lịch khác như: du lịch xanh, du lịch nông nghiệp. Du lịch về vùng đất Quảng Trị, nhắc nhở bao thế hệ luôn nhớ về công ơn những người đã ra đi cho Tổ Quốc”.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục xây dựng và tổ chức tour du lịch đêm tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với lộ trình có bổ sung thêm nhiều phần hấp dẫn thu hút du khách như thêm các bài thuyết minh gắn với câu chuyện lịch sử, kết hợp âm thanh, ánh sáng làm tăng khả năng truyền cảm, tạo ấn tượng mạnh; đưa vào phục vụ một số tiết mục nghệ thuật.
Theo thông tin từ Sở VHTTDL Quảng Trị, đầu năm Giáp Thìn 2024, lượng khách đến các địa điểm du lịch ở địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, hơn 268.000 lượt khách du lịch đến tỉnh Quảng Trị trong tháng 2/2024; trong đó khách quốc tế đạt 15.500 lượt và khách nội địa ước đạt 252.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 185 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước tính ước đạt hơn 155.000 lượt, tăng hơn 24% so với tết Quý Mão 2023. Trong đó có hơn 7.300 lượt khách quốc tế, phần lớn nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, hầu hết các điểm tham quan du lịch, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Quảng Trị mở cửa đón khách du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết.
Mục tiêu của ngành du lịch Quảng Trị trong năm 2024, tiếp tục phát huy khai thác tiềm năng, thế mạnh, của các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của địa phương trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tỉnh cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như: Tập trung quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, từng bước hình thành Khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - đảo Cồn Cỏ. Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến của du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng; du lịch biển, đảo; du lịch văn hoá - tâm linh; du lịch biên mậu, thương mại và công vụ; du lịch sinh thái...
Với những chiến lược cụ thể trong du lịch, mảnh đất đầy thép anh hùng sẽ nở những “bông hoa” tươi đẹp nhất...