Quảng Bình: Vinh danh làng Tân Hóa - Làng du lịch tốt nhất

Đinh Loan

02/12/2023 07:08

Tân Hóa là một xã miền núi của huyện Minh Hóa, cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 8 km về phía Đông-Nam. Tân Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ cùng những nét văn hóa đặc sắc. Với địa thế đặc trưng, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày liền. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”.

Những năm trở lại đây, người dân Tân Hóa đã tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng thời tiết với các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng.

Sau khi đánh giá 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Tân Hóa cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững. Vào lúc 15 giờ ngày 19/10 (giờ địa phương), tại Samarkand, Uzbekistan, UNWTO đã vinh danh Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 và là địa phương duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này.

Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm, lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn. Đồng thời, các hoạt động du lịch cũng thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.

anh-chup-man-hinh-2023-12-02-luc-070600-1701475592.png
Làng Tân Hóa được vinh danh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong chia sẻ: “Có được danh hiệu này là một quá trình trong nhiều năm từ xây dựng hồ sơ, hoàn tất các thủ tục đáp ứng với tiêu chí của UNWTO để được vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới. Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Tân Hoá vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần phải giữ được bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, không phá vỡ không gian sống xanh.”

 Thời gian tới, Làng du lịch Tân Hóa sẽ từng bước xây dựng để trở thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình tiêu biểu cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với điều kiện thời tiết, đây cũng là mô hình liên kết hiệu quả giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, hoàn thiện và đa dạng hoá các dịch vụ, trải nghiệm tại Tân Hoá nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế…

Đây chính là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Quảng Bình trong việc tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu trên bản đồ thế giới, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt với sự đa dạng, độc đáo của tài nguyên, sản phẩm du lịch.

Theo ông Hồ An Phong, thời gian tới: “chính quyền, nhân dân xã Tân Hóa và các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn xã cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa độc đáo trong cộng đồng dân cư gắn với phát triển du lịch bền vững; xây dựng cộng đồng làm du lịch, văn hóa dịch vụ đến từng người dân; mỗi người dân của Tân Hóa là một đại sứ, một hướng dẫn viên du lịch. Cần quan tâm xây dựng quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch với tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước làm cơ sở cho việc huy động các nguồn đầu tư, nâng cấp, đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch nhưng không làm mất đi giá trị độc đáo, cốt lõi tạo nên Tân Hóa; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp yên bình của làng quê Tân Hóa trong quá trình đô thị hóa để vừa bảo đảm được những giá trị độc đáo…

Đồng hành bảo tồn phát huy các giá trị tài nguyên gắn với phát triển du lịch bền vững theo các tiêu chí của Liên hợp quốc, giữ vững danh hiệu Làng Du lịch tốt nhất của UNWTO…

anh-chup-man-hinh-2023-12-02-luc-070553-1701475592.png
Làng du lịch Tân Hóa, Quảng Bình.

Tân Hóa là một xã miền núi của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ cùng những nét văn hóa đặc sắc.

Nhằm từng bước đưa Tân Hoá từ một vùng được xem là "rốn lũ" của Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc, từ năm 2014, Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị du lịch xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hoá: Đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hoá các dịch vụ dành cho khách du lịch.

Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.

Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các mục tiêu phát triển bền vững thông qua du lịch.

Tính đến năm 2022, có hơn 70 ngôi làng từ gần 40 quốc gia đã được UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất. Những ngôi làng này là ví dụ về các điểm đến du lịch nông thôn mang lại trải nghiệm chân thực và đa dạng cho du khách, đồng thời tạo cơ hội và lợi ích cho người dân địa phương và môi trường.

 

Đinh Loan