Quảng Bình di dời nhiều hộ dân trong lũ

Thanh Loan

28/10/2024 06:17

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 167 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư và sạt lở bờ sông, biển. Trong đó 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Tính đến 16h cùng ngày, huyện Lệ Thuỷ đã tổ chức di dời 73 hộ với hơn 201 nhân khẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Cụ thể, di dời 20 hộ, 60 khẩu (bản Mít Cát, xã Kim Thủy); 5 hộ, 22 khẩu (bản Tân Ly, xã Lâm Thủy), 4 hộ, 10 khẩu (bản Khe Giữa), 30 hộ, 85 khẩu (ở hồ Dạ Lam, xã Thái Thủy), 14 hộ, 56 khẩu ở đập Cây Bông và đập Cồn Cùng (xã Kim Thủy). Các hộ dân nay được hướng dẫn đến nhà sinh hoạt cộng đồng để tránh lũ.

Hiện tại chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân Quảng Bình đã triển khai phương án “4 tại chỗ” để ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6. 

fa501f193e0a8654df1b-1730070720.jpg
 
822a9d62bc71042f5d60-1730070697.jpg
Với tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến địa điểm an toàn.

Thông tin từ Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Bình cho biết, vào lúc 15h ngày 27/10, mực nước trên lưu vực sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ) đang lên nhanh và ở mức báo động 2. Tại trạm Kiến Giang mức nước cao 14,35m trên BĐ2 1,35m. Nguy cơ xảy ra một đợt lũ lụt tại các địa phương vùng trũng thấp ven sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ. Người dân các vùng thường hay bị ảnh hưởng lũ lụt ở Lệ Thuỷ như ở Xuân Thuỷ, Liên Thuỷ… đã triển khai các phương án sống chung với lũ như kê dọn đồ đạc lên cao, mang xe đi đậu đỗ ở nơi cao… Mưa lũ đã khiến 1 người dân ở huyện Lệ Thuỷ mất tích. Nạn nhân là anh Lê Ngọc Hơn, 22 tuổi, ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Anh Hơn bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn.

UBND huyện Lệ Thuỷ đã huy động lực lượng quân sự, công an phối hợp với chính quyền xã Thái Thuỷ triển khai tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Cũng theo dự báo, mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở nhiều xã, thị trấn thuộc các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá; vùng núi các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ.

Trước đó, (tối 26/10) Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 19h cùng ngày hầu hết tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Bình đã vào bờ tránh trú an toàn. Quảng Bình hiện có gần 6.200 phương tiện và gần 18.700 lao động hoạt động trên biển.

7fa0e6eac7f97fa726e8-1730070720.jpg
Lực lượng chức năng Quảng Bình vận chuyển đồ đạc của người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
e40c2f460e55b60bef44-1730070720.jpg
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình vận chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân đang tránh mưa lũ.

Đến tối ngày 26/10, chỉ còn 8 tàu với 56 lao động đang hoạt động trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, ngoài khu vực nguy hiểm. Cũng theo báo cáo tỉnh Quảng Bình có 167 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư và sạt lở bờ sông, biển, trong đó có 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Về phương án ứng phó với bão số 6, lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Bình đã đặt ra các tình huống. Nếu có bão đổ bộ thì các địa phương ở tỉnh sẵn sàng sơ tán, di dời 29.125 hộ dân. Còn lũ lụt trên báo động 3 sẽ di dời 18.967 hộ; do sạt lở di dời khẩn cấp 856 hộ với 3.610 khẩu chủ yếu ở khu vực miền núi và khu vực biên giới có địa hình phức tạp.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai công tác ứng phó với bão số 6 với phương châm “4 tại chỗ”. Người dân thường xuyên theo dõi diễn biến của bão và chủ động ứng phó với thiên tai một cách chủ động. 

Thanh Loan
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Bình di dời nhiều hộ dân trong lũ" tại chuyên mục Cần biết.