Phong cách cá nhân trong thuyết trình: Để vấn vương như hương gỗ phương Đông

Nguyễn Thị Thu Thủy

30/09/2022 08:43

Làm sao thậm chí khi chưa kịp nghe hết anh nói gì, người ta đã nhận ra ai đang đứng sau màn.

Từ cánh rừng…

Vấn đề thứ nhất của nghệ thuật là phong cách. Cũng như làm nghệ thuật, để đạt đến mức độ cao nhất của thuyết trình người nói cần phải có phong cách truyền đạt mang đậm dấu ấn cá nhân. Làm sao thậm chí khi chưa kịp nghe hết anh nói gì, người ta đã nhận ra ai đang đứng sau màn. Phải để màu sắc cá nhân “ám” lên mọi lần chia sẻ, như mùi nước hoa anh dùng mỗi lần ra ngoài gặp gỡ, sâu sắc, dai dẳng, ấn tượng.

Tôi có một cô bạn mà mỗi lần nhắc đến tên cô ấy, gợi lên trong mình không phải một khuôn mặt, ánh nhìn… hay bất cứ thứ gì khác mà lại là một mùi hương. Cứ mỗi lần bước qua cô ấy, dù đang đứng ở bất kì đâu, giữa dòng người tấp nập hay một lớp học ồn ã, đều như bất chợt xuất hiện ở một nơi khác - một cánh rừng kỳ lạ. Mùi hương gỗ thông phả đến kêu lên như tiếng rừng thông xầm xì, lành lạnh cảm giác vùng ôn đới. Nốt hương tiếp xúc đầu tiên ấy tôi nghe thấy mùi gỗ thông như thế, sau đó lại thoang thoảng gỗ đàn hương ngan ngát ngọt. Cô ấy bảo nước hoa có nhiều tầng mùi, mỗi tầng một loại hương khác nhau nhưng đều là gỗ phương Đông.

Vẫn là cảm giác lành lạnh, nhưng đàn hương có âm hưởng trầm và huyền hoặc hơn. Có lẽ là do ngàn năm trước thứ gỗ hương này chỉ dùng để phụng vua chúa, người ta tôn làm cho nó sự cao quý hoặc vốn, đàn hương đã làm đậm hơn sắc uy nghi của họ. Tuy nhiên hai lớp hương gỗ liên tiếp có lẽ sẽ mang đến cảm giác quá tĩnh và nhạt nên nghệ nhân chế tác đã đưa thêm hương nhài và quả lê vào tầng chính giữa làm nâng lên cảm giác trong trẻo, thanh sạch của cánh rừng. 

Một ưu điểm lớn của hương gỗ phương Đông là lưu mùi rất lâu, lâu nhất trong các loại mùi nước hoa. Những mùi hương ồn ào, bùng nổ và mạnh mẽ, độ tỏa hương xa đều có thời gian lưu trung bình, kém nhất là các nốt hương mùa hè năng động. Hình như những thứ gì trầm tĩnh đều mang tính ổn định. Hương gỗ phương Đông như khúc hát cổ điển của rừng già, thanh cao, trong sạch, tĩnh lặng và khó hiểu. Mùi hương này chỉ chiều chuộng những ai có độ cảm sâu, cá tính và thường hướng nội. Không tạo cảm giác choáng ngợp nhưng vương vấn lâu dài, âm ỉ vô thức không thể quên…

… đến chuyện phong cách trong thuyết trình

Phong cách cá nhân trong thuyết trình cũng quan trọng như một người lấy hương thơm làm dấu ấn. Đó là câu chuyện về việc làm cách nào để người khác có thể nhớ đến mình mà không cần quá nhiều tiếp xúc. 

Vấn đề phong cách trong thuyết trình không được để ý nhiều, vì thường mọi người sẽ tự hỏi làm sao để thuyết trình cho tốt thay vì thuyết trình xuất sắc. Mặt khác, thuyết trình không phải là việc có tầng suất làm quá nhiều với đa số mọi người, và thường mục đích của thuyết trình là truyền tải thông tin thay vì gây dựng một cái gì đó giá trị (như tác phẩm nghệ thuật) nên việc bỏ công sức ra để xây dựng phong cách trong thuyết trình ít được quan tâm. Tuy nhiên với những diễn giả, những người lấy tiếng nói làm nghề thì đó là câu chuyện khác. Chính phong cách sẽ trả lời cho câu hỏi vì sao khi ta nghe những người như Giản Tư Trung, Lê Thẩm Dương… nói thấy rất “cuốn”, trong khi cũng chừng ấy nội dung, chừng ấy lời nhưng một người khác nói lại chẳng hay bằng.

Phong cách cá nhân không phải là thứ muốn là có mà nó phải được dày công gây dựng hoặc chỉ đơn giản toát ra từ cái chất riêng có sẵn của người thuyết trình - đó là công việc vừa khó khăn mà thực ra cũng rất dễ dàng. Founder kiêm CEO của Học viện kỹ năng VTALK, cơ sở đào tạo thuyết trình chuyên sâu hiện này - ông Mai Nguyễn Hoàng Nam từng chia sẻ: “Kiến thức hiện tại trong xã hội ngày nay đã bị san phẳng, ai cũng dễ dàng tìm ra những triết lý giống hệt nhau. Vì vậy việc của một nhà diễn giả tài năng là chuyển biến kiến thức đó thành ngôn ngữ của riêng mình…”. Bản chất phong cách cá nhân trong thuyết trình là việc người nói đưa con người của mình vào bài chia sẻ, từng suy nghĩ, từng cảm xúc đều xuất phát từ con người họ. Con người ấy càng sâu sắc, cá tính và đặc biệt thì tự động những gì họ làm đều toát ra một “mùi hương” cực kỳ đặc trưng, hữu xạ tự nhiên hương. Vì vậy, cách thứ nhất để xây dựng phong cách thuyết trình cho bản thân chính là phải biết mình là ai, hiểu cái “tôi” của mình và xây dựng bề sâu cảm nhận và tri thức về thế giới. 

Một cách dễ hơn để tạo dấu ấn cá nhân khi thuyết trình là hãy tạo ra những chi tiết lặp đi lặp lại trong mọi lần nói. Ví như việc kể một câu chuyện cá nhân và dẫn dắt nó đến nội dung chính của bài thuyết trình, tuy nhiên không phải cứ “vớ đại” câu chuyện nhan nhản nào đấy mà tất cả đều phải có motif hoặc điểm chung. Cũng giống như dùng nước hoa, nếu mỗi ngày đều thay đổi loại mùi hương thì người khác chỉ nhớ đến bạn là người rất thơm chứ không lưu giữ một thứ mùi làm dấu ấn; cũng như là một người biết thuyết trình nhưng đặc sắc và ấn tượng thế nào thì man máng không nhớ nổi. 

Khác với cái tôi trong nghệ thuật luôn cần táo bạo, lạ đời và mạnh mẽ đến mức “giết chết” nội dung. Màu sắc cá nhân khi thuyết trình nên tránh “chiếm sóng” nội dung. Đến cuối cùng một hương nước hoa cũng nên được dùng để làm tôn lên khí chất của người sử dụng thay vì một lớp hương trống rỗng. Phong cách cá nhân cần điều tiết để hòa hợp với bài thuyết trình, mục đích cuối cùng của thuyết trình là truyền tải nội dung và thôi thúc suy nghĩ, hành động. Ý định này sẽ hoàn toàn lệch hướng nếu người nghe chỉ nhớ đến sự độc đáo, ví dụ, trong cách trình diễn của người nói. Đừng để mùi hương quá gắt nồng…

Nguyễn Thị Thu Thủy