Toạ đàm là một dịp đặc biệt để đánh giá thực trạng, trao đổi những vấn đề pháp lý, học thuật quan trọng liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử một cách bền vững và an toàn - một ngành đang có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, LS. Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện STLA, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự cho biết, thương mại điện tử trong những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức mua sắm, kinh doanh và giao dịch trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các nền tảng thương mại điện tử đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.
Mặc dù thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, nhưng sự phát triển đó không phải là không có những vấn đề cần giải quyết. Trong đó, các vấn đề pháp lý luôn là một thách thức lớn, khi hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số khoảng trống và bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin, chống gian lận thương mại, thuế, hợp đồng điện tử... đang là những vấn đề nóng được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.
Theo TS. Nguyễn Đức Tài - Giám đốc điều hành Viện STLA cho hay, với sự bùng nổ của công nghệ số và internet, thương mại đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kinh doanh, tiếp thị số và giao dịch. Tuy mang lại nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế số, kinh tế nền tảng, nhưng thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý, như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử, thuế và nghĩa vụ tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân, giao dịch xuyên biên giới và tranh chấp quốc tế.
Tại Việt Nam, các quy định pháp lý về thương mại điện tử đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề thực tiễn cần giải quyết như: cải thiện hệ thống pháp lý mà cụ thể là tình trạng chồng chéo, không đồng bộ, các quy định chưa theo kịp sự phát triển, quản lý thuế chưa hiệu quả, tình trạng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái được bày bán trên sàn thương mại điện tử nhưng thiếu các biện pháp kiểm soát hoạt xử lý nhất là khi xảy ra tranh chấp, tình trạng lộ lọt thông tin và dữ liệu cá nhân nhất là với những trường hợp thương mại xuyên biên giới.
Với thực trạng đã nêu, TS. Nguyễn Đức Tài cho rằng, để phát triển thương mại điện tử bền vững cần có một khung pháp lý hoàn thiện, đồng thời các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý phải thực thi nghiêm túc các quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường thương mại điện tử.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong tương lai” – TS. Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.
PGS.TS Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - nguyên Chánh Văn phòng thường trực, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, thương mại điện tử không ngừng đổi mới và phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các hình thức thương mại truyền thống. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật phải liên tục được cập nhật và điều chỉnh để đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới.
Thương mại điện tử phá vỡ các rào cản địa lý, tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ được giao dịch trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quản lý thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp... Thương mại điện tử tác động sâu sắc đến nền kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, thương mại điện tử cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực như: cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái...
Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, giải pháp đặt ra lúc này là cần hoàn thiện khung pháp lý, cập nhật và bổ sung các quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc kiểm tra, giám sát nội dung và nguồn gốc sản phẩm; sớm ban hành các quy định cụ thể về quản lý giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là các nền tảng quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát hiện sớm các hành vi gian lận trên sàn thương mại điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống cảnh báo tự động về các giao dịch bất thường hoặc các sản phẩm có nguy cơ là hàng giả.