
Sau gần 40 năm đổi mới của đất nước, ngành gia cầm đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, sản lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và trình độ công nghệ. Với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 2 tỷ quả, được sản xuất vào năm 2024, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay ngành gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ. Sự tăng trưởng của ngành, nhất là giá trị sản xuất có xu hướng giảm dần, thậm chí ngành hàng này bắt đầu rơi vào giai đoạn khủng khoảng. Trong đó có khủng hoảng về giá, thị trường, về mô hình phát triển và xa hơn là khủng hoảng niềm tin của doanh nghiệp về tương lai bất định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, chính sách thuế từ Mỹ và các yếu tố bất định khác, Việt Nam vẫn duy trì được đà xuất khẩu với mục tiêu tăng trưởng 4%, hướng đến mốc 70 tỷ USD. Tuy vậy, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập, cần làm rõ như lý do hiệu quả chăn nuôi còn thấp trong nhiều năm qua và giải pháp, tổ chức thực hiện để cải thiện tình trạng này”.

Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,8 - 6,1 triệu con giống gia cầm và từ 4,6 đến 5,1 nghìn tấn thịt gia cầm các loại. Ngành chăn nuôi gia cầm đang đứng trước nhiều thuận lợi như thể chế đồng bộ, hội nhập, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi giảm và cơ hội tiếp cận công nghệ mới, quản trị hiện đại.
Tuy nhiên, ngành cũng đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm tập quán sản xuất - phân phối nhỏ lẻ, dịch bệnh, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, liên kết chuỗi giá trị còn ít, công tác thống kê và dự báo cung - cầu còn hạn chế. Ngoài ra, tác động từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh thương mại, xung đột địa chính trị cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành.
“Ngành chăn nuôi gia cầm được đánh giá có tiềm năng hội nhập cao nhờ thể chế minh bạch, đồng bộ và thị trường tiêu thụ rộng mở. Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu, từ thói quen tiêu dùng manh mún, hệ thống phân phối nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh, cho tới liên kết chuỗi còn yếu và dự báo cung cầu chưa sát thực tế. Bối cảnh quốc tế bất ổn, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm gia tăng rủi ro” – ông Đăng cho biết.
Trước những thách thức này, Cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất tăng cường tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và áp dụng an toàn sinh học triệt để. Đồng thời, cần mở rộng thị trường, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm lợi thế, siết chặt kiểm soát nhập lậu, và thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Việc kết nối, chia sẻ thông tin minh bạch được nhấn mạnh nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa.
Về lâu dài, cần quy hoạch lại sản xuất, tập trung đầu tư vùng trọng điểm, xây dựng chuỗi giá trị từ chăn nuôi – chế biến – tiêu thụ có kiểm soát dịch bệnh theo chuẩn quốc tế. Chính sách tín dụng ưu đãi cho nông hộ và doanh nghiệp cũng cần được xem xét để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Theo mục tiêu đặt ra đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,0% - 5,0% so với năm 2024, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp đạt 28% - 30%. Chiến lược chăn nuôi đến năm 2025 đặt mục tiêu thịt gia cầm chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thịt, sản lượng trứng đạt 16 - 17 tỷ quả; đến năm 2030 tăng lên 28 - 30%, sản lượng trứng đạt 22 - 23 tỷ quả. Xuất khẩu 20% - 25% sản lượng thịt và trứng gia cầm. Tỷ lệ thịt gia cầm chế biến đạt 25% - 30% vào năm 2025 và 40% - 50% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi gia cầm cần tập trung vào các nhiệm vụ như: phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức hiện đại công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh về năng suất và chất lượng. Đồng thời, khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ, phúc lợi động vật để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ngoài ra, khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi gia cầm nơi có quy hoạch phù hợp đảm bảo xa nơi dân cư tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng tối đa về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, tăng cường giám sát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Newcastle, và các bệnh truyền nhiễm khác.