Phát động cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Mai Phương

27/06/2024 18:06

Chiều 27/6 tại Hà Nội, Ban Thanh niên Quân đội phối hợp với Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức chương trình gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm giới thiệu về cuộc thi Tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân” và cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trao đổi tại cuộc gặp mặt, Đại tá Trần Viết Năng - Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) dành cho công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, với 2 hình thức: Thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến và thi viết.

dai-ta-tran-viet-nang-pld-1719500845.jpg
Đại tá Trần Viết Năng – Trưởng ban Thanh niên Quân đội phát biểu tại buổi gặp mặt.

Đối với hình thức thi trực tuyến, Ban tổ chức phát sóng trực tiếp (livestream) trên trang mạng cộng đồng Facebook (fanpage) tại các địa chỉ: Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn; Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn trong thời gian từ tháng 9 - 11/2024, từ 20h30’ – 21h30’ các ngày: 20/9, 27/9, 4/10, 11/10, 18/10, 25/10, 1/11, 8/11, 15/11, 22/11 (10 buổi). 

Mỗi buổi livestream thi 10 câu hỏi, nội dung xoay quanh chủ đề thi. Người dự thi tương tác với người dẫn chương trình và trực tiếp trả lời câu hỏi dưới dạng bình chọn phương án đúng. Người thắng có câu trả lời đúng và nhanh nhất. Người thắng nhiều câu hỏi nhất và nhanh nhất là người được nhận giải thưởng chung cuộc của buổi thi.

Đối với hình thức thi viết được chia làm hai bảng: Bảng A (tất cả các đối tượng dự thi đều có thể tham gia) và Bảng B (dành cho đối tượng dưới 16 tuổi). Người tham gia thi Bảng A sẽ làm bài thi trả lời 10 câu hỏi liên quan đến quá trình hình thành, những chiến công nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng các thông tin liên quan đến Quân đội và Ngày hội Quốc phòng toàn dân…

Thí sinh tham gia thi ở Bảng B sẽ viết bài cảm nhận về chủ đề Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ,” ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân; thế hệ trẻ ngày nay phát huy truyền thống cha anh đi trước, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bài dự thi là của cá nhân (không phải nhóm tác giả). Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài thi. Thời gian nhận bài dự thi từ 1 - 30/9, tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân (173C đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội). Thời gian tổng kết, trao giải dự kiến vào trung tuần tháng 12/2024, lồng ghép trong chương trình “Hành quân về nguồn” tại Quân khu 1 (tỉnh Cao Bằng).

Cơ cấu giải thưởng ở phần thi trắc nghiệm gồm: Giải cho người chiến thắng trong mỗi câu hỏi và Giải cho người chiến thắng trong mỗi buổi thi; ở phần thi viết gồm 35 giải tập thể và 80 giải cá nhân đối với bảng A, 35 giải cá nhân đối với bảng B.

“Thông qua cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ, thanh thiếu nhi và nhân dân về truyền thống của dân tộc, của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân và những thành tựu to lớn trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ và nhân dân cả nước đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới” - Đại tá Trần Viết Năng nhấn mạnh.

quan-doi-nhan-dan-viet-nam-pld-1719500844.jpg
Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

Tại cuộc gặp mặt, Ban tổ chức cũng giới thiệu về cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), đối tượng dự thi là công dân Việt Nam ở trong nước.

Các tác giả (nhóm tác giả) lựa chọn một trong 10 chủ đề để viết bài dự thi như: Quá trình xây dựng, phát triển, chức năng, nhiệm vụ, những cống hiến to lớn và truyền thống vẻ vang của Tổng cục Chính trị; Tổng cục Chính trị với sự nghiệp xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị; Vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta; Củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó “máu thịt” quân dân; Tuổi trẻ xung kích bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới…

Bài dự thi không quá 5.000 từ, phải truyền tải được một trong 10 chủ đề của nội dung thi thông qua các thể loại như nghị luận, phản ánh, ghi chép, bút ký, phóng sự, thơ, ca... Mỗi tác giả (nhóm tác giả) có thể gửi nhiều bài thi. Đối với nhóm tác giả dự thi không được quá 5 người.

Ban tổ chức khuyến khích các bài thi đầu tư công phu, sâu sắc về nội dung, sáng tạo về hình thức; trình bày khoa học, sử dụng công nghệ số, hình ảnh, tư liệu minh họa hợp lý; liên hệ, vận dụng sát với cương vị, chức trách cá nhân và thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian tiếp nhận bài dự thi từ 1 – 30/9 tại Bảo tàng Chiến thắng B52 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Cơ cấu giải thưởng dự kiến gồm 80 giải, trong đó có 5 giải A, 10 giải B, 25 giải C và 40 giải Khuyến khích.

Mai Phương