Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình: “Chủ thể OCOP cần lắng nghe tiếng nói của thị trường, để tiếp cận thị trường...”

Đinh Loan thực hiện

01/05/2024 07:53

Các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của vùng miền gắn với nét văn hóa truyền thống của địa phương, đây là điều kiện quan trọng để những mặt hàng chiếm ưu thế với thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý có cuộc đối thoại cùng ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về chương sản phẩm OCOP trên địa bàn...

PV: Thưa ông, sau hơn 5 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), ông có thể chia sẻ kết quả của chương trình đối với sự phát triển kinh tế nông thôn?

Ông Trần Quốc Tuấn: Chương trình OCOP là một chương trình lớn của ngành Nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã, thời gian qua các địa phương đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chương trình này.

Đến nay toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), như vậy số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao). Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như Yến, Cam, Tiêu, bột nghệ, mật ong…. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh.

Khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể kinh tế đang dần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động cụ thể như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mẫu mã, chất lượng, quy trình sản xuất. Chương trình đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở tỉnh ta, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản vật hiện có, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Qua đó, giải quyết các vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập (thu nhập nông thôn bình quân đầu người tăng từ 35 triệu đồng/người/năm tăng lên 43,56 triệu đồng/người/năm trong năm 2023. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 11,65%, đến hết năm 2023 giảm còn 9,51%), bảo vệ môi trường, hình thành các tổ chức liên kết cộng đồng theo hướng bền vững.

tr-qd-2-1714524451.jpeg
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Tuấn giữ vai trò Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông vào tháng 3/2024.

PV: Được biết, Đề án "Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" đang được xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn mới, chương trình sẽ tập trung trung vào các giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Trần Quốc Tuấn:  Ngày (1/8/2022), Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, người dân và cán bộ quản lý nhà nước về nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Thứ hai: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến; Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Thứ ba: Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của chủ thể OCOP; Lồng ghép hiệu quả các chương trình/đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, dự án khoa học công nghệ và các cơ chế, chính sách khác có liên quan.

Thứ tư: Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các sản phẩm OCOP được công nhận, tập trung vào các nội dung như chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển vùng nguyên liệu; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP.

z5394291477522-85aa0c5e7855eb29275e1d13c4dd4a07-1714523606.jpg
Khoai Gieo, một đặc sản của tỉnh Quảng Bình.

PV: Vậy để “chắp cánh” và đưa sản phẩm OCOP vươn xa, Quảng Bình đã triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể từ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã áp dụng các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương và địa phương để tham mưu, hỗ trợ chủ thể kinh tế triển khai các nội dung về đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP thông qua Đài PTTH, Báo Quảng Bình…; phát hành các tờ rơi, cẩm nang sản phẩm OCOP; Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 100% chủ thể tham gia chương trình OCOP; Hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông qua lồng ghép các nguồn vốn để các chủ thể kinh tế đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; Hỗ trợ công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; Tư vấn, hỗ trợ chủ thể trong việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm; Đặc biệt là thường xuyên hỗ trợ chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm tiếp cận với các thị trường lớn, có tiềm năng. Thông qua đó nhiều sản phẩm được bày bán, tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang rà soát, lựa chọn từ 1 đến 3 sản phẩm đặc sắc nhất để tập trung nâng cấp thành sản phẩm OCOP 5 sao trong thời gian tới.

PV: Thực tế cho thấy, các sản phẩm tạo ra từ chương OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hoá truyền thông. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó,thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển trên cơ sở phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu. Sản phẩm đăng ký tham gia năm nay đang tạo nên một sinh khí mới trong đời sống sản xuất ở khu vực nông thôn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề trên?

Ông Trần Quốc Tuấn: Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2024 đã có hơn 80 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, cao nhất từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay. Có thể khẳng định rằng, chương trình OCOP đang tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông thôn. Các chủ thể kinh tế ngày càng thấy được ý nghĩa, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, không chỉ khai thác tốt các giá trị tài nguyên bản địa, mà góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất theo hướng bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí một số chủ thể có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

ocp-4-1714523600.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình hiện nay nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng.

PV: Thưa ông, một trong những giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất của các chủ thể OCOP phải là những người đầu tiên có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình. Họ phải tư duy, nghiên cứu và phải trên cơ sở hiểu biết về tiềm năng, lợi thế của địa phương để từ đó đưa ra các ý tưởng để tạo ra được các sản phẩm mới trong quá trình sản xuất?

Ông Trần Quốc Tuấn: Đây chính là ý nghĩa của chương trình OCOP, đó là khơi dậy sự sáng tạo của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng…. Còn mỗi một người dân, mỗi chủ thể kinh tế khi tham gia chương trình OCOP ngoài việc phát triển các sản phẩm tiềm năng sẵn có ở địa phương, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm mới, mang tính độc đáo, đặc sắc theo lợi thế từng vùng miền, có như vậy thì mới khai thác tối đa các giá trị hiện có về tài nguyên, văn hóa, nguồn lao động.

PV: Việc chúng ta công nhận và gắn sao sản phẩm OCOP là một quá trình vất vả và khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu của tiêu chí. Việc giữ được chất lượng sản phẩm OCOP theo “sao” mà chúng ta đã công nhận lại là việc khó khăn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có hiện tượng suy giảm về chất lượng và “tụt” tiêu chí yêu cầu. Với một người có làm chức năng quản lý ông đưa ra lời khuyên gì?

Ông Trần Quốc Tuấn: Đối với mỗi chủ thể kinh tế, việc xây dựng, phát triển và được công nhận hạng sao OCOP là cả một quá trình. Do đó, khi được công nhận hạng sao OCOP các chủ thể không nên có tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, mà cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh đó là nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị trường. Như vậy. mới duy trì và củng cố sản phẩm OCOP được công nhận, đồng thời làm cơ sở để nâng cấp, hướng đến hạng sao cao hơn.

Mặt khác, chúng ta cần có những giải pháp để tiếp cận thị trường, lắng nghe tiếng nói thị trường, tín hiệu thị trường, từ đó các chủ thể sẽ có sự điều chỉnh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Sản phẩm không hề đứng yên, do đó những người tạo ra sản phẩm OCOP phải luôn nâng cấp, cải tiến sản phẩm hiện có.

ocp-2-1714523606.jpg
Một gian hàng các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình được quảng bá đến ngời tiêu dùng. 

PV: Thực tế cho thấy, các sản phẩm tạo ra từ chương trình OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hoá truyền thống. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 có rất nhiều tiêu chí để đánh giá, tuy nhiên thực tế cho thấy các sản phẩm OCOP càng độc đáo, càng có nét riêng biệt thì luôn được đánh giá cao, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, và các sản phẩm đó sẽ có nhiều lợi thế hơn khi phân phối ra các thị trường lớn, thị trường có tiềm năng so với các sản phẩm OCOP còn lại.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng tạo ra sản phẩm thì dễ nhưng để thương mại hóa được sản phẩm và mang tính bền vững nó lại là câu chuyện khác. Quy luật của thị trường là khi sản phẩm lên kệ siêu thị, sản phẩm nào mang lại doanh thu nhiều nhất cho siêu thị tính trên một đơn vị diện tích thì người ta sẽ ưu tiên bán sản phẩm đó. Do đó yêu cầu của kinh tế hàng hóa chính là phải luôn cải tiến, cải tiến và cải tiến. Có như thế thì người tiêu dùng mới thấy được cái mới, cái hấp dẫn của sản phẩm và không rời bỏ nó.

PV: Sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình, xã, phường trên địa bàn tỉnh có được cuộc sống khá giả hơn, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Quảng Bình xác định du lịch là nghành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, du lịch đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực. Ông nghĩ sao về vấn đề trên?

Ông Trần Quốc Tuấn: Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng chương trình OCOP đang là một hướng đi đúng trong việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới có chiều sâu và hiệu quả bền vững.

Trong những năm qua, Quảng Bình luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó khi triển khai chương trình OCOP, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm OCOP nâng cao về số lượng và chất lượng, mà còn gắn việc phát triển sản phẩm OCOP thành những sản phẩm mang tính quà tặng, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, có như vậy thì mới nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá những đặc sản, hình ảnh của Quảng Bình đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Đây chính là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong giữ gìn cảnh quan làng quê, bảo tồn các giá trị văn hóa hiện có ở địa phương. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

ocp-1-1714523600.jpg
Hiện nay, người dân đã bắt đầu quan tâm nhiều đến các sản phẩm OCOP.

PV: Vậy thưa ông, làm thế nào để việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các cách làm hay, bài học tốt của các chủ thể thành công vào mô hình thực tiễn, nâng cao chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiệu quả?

Ông Trần  Quốc Tuấn: Thực tiễn cho thấy hiện nay, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã được các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hình thức như: Trưng bày tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện; trưng bày tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch trong tỉnh; ký hợp đồng phân phối sản phẩm với các hệ thống, đại lý trong và ngoài tỉnh; thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như quangbinhtrade.vn; voso.vn; posmart.vn; (Riêng sàn quangbinhtrade.vn đã có 150 doanh nghiệp thành viên tham gia và được niêm yết với 260 sản phẩm được chào bán. Trong đó phần lớn là các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc sản; sàn Porstmart.vn hiện có gần 100 sản phẩm nông sản của Quảng Bình tham gia). Đặc biệt một số chủ thể đã ký kết các đơn hàng lớn với các hệ thống siêu thị lớn ở trong nước như BigC, Coopmart.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã bảo đảm đồng bộ, hiện đại và bài bản; tiếp tục kết nối, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, góp phần tạo ra một kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung, giúp cho bà con nông dân ổn định giá bán sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Đinh Loan thực hiện