Ông Phan Hoài Nam: “Hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa”

Đinh Loan thực hiện

18/07/2024 15:51

Việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa. Làm thế nào để nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh của Quảng Bình và đẩy mạnh xuất khẩu cho các mặt hàng OCOP là việc làm không phải một sớm một chiều. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình về những vấn đề trên.

Phóng viên: Việc đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Bình gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong những năm qua được ngành Công Thương tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch được ngành triển khai như thế nào?

Ông Phan Hoài Nam: Tỉnh Quảng Bình xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được chú trọng. Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay, cắm trại, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá; mô hình làng du lịch cộng đồng với những trải nghiệm từ công việc làm nông, thưởng thức món ăn địa phương mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, quầy hàng lưu niệm, điểm check-in và các dịch vụ đa dạng khác… đã thu hút nhiều du khách đến với Quảng Bình trong thời gian vừa qua.

Để đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Bình gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong những năm qua Sở Công thương đã tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm hỗ trợ các cửa hàng tiện ích bán hàng Việt, điểm bán hàng nông sản, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch, địa bàn trung tâm du lịch của tỉnh, địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.

833b1f23928e30d0699f-1721292287.jpg
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình.

Cùng với phát triển các hoạt động về du lịch, dịch vụ Quảng Bình đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh sản phẩm OCOP đang ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; bao bì, kiểu dáng, mẫu mã phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành nên các nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền. Tính đến nay, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn, gồm 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 107 chủ thể kinh tế, trong đó: Có 58 Hợp tác xã, 21 doanh nghiệp và 28 hộ kinh doanh cá thể. Một số sản phẩm OCOP nổi bật như: Nước mắm Ngọc Biển, nước mắm Long Tám, Mực ống Thanh Quang, Cá bờm trắng Vương Đoàn, Khoai gieo Linh Huệ, Bột bánh canh Kính hương, Bột bánh lọc Long Giang, Tinh bột nghệ Vân Di, Nấm Linh chi Tuấn Linh, Cao thìa canh Thanh Bình; các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ: ống hút tre An Mã, đũa gỗ Quảng Thủy, mây tre đan Vân Sơn,… đã trở thành những sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Quảng Bình.

Phóng viên: Có thể nhận thấy những vùng sản phẩm OCOP của Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ các điều kiện thuận lợi để gắn với các hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Vậy theo ông, Quảng Bình cần có những chính sách, chiến lược cụ thể gì để các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng thông qua du lịch?

Ông Phan Hoài Nam: Với những lợi thế và sản phẩm Quảng Bình có được, cần có những chính sách và hướng đi cụ thể, ví như hình thành các Shop tự chọn, Quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích Đền Công Chúa Liễu Hạnh, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan mô hình trình diễn sản xuất nón lá, bún bánh Ba Đồn, Quảng Trạch kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng ở làng bích họa Cảnh Dương.

Thứ hai, hình thành “con đường du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đến với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng” kết hợp tham quan các mô hình chế biến dược liệu, nấm sạch, vườn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh… mua sắm hàng lưu niệm OCOP Quảng Bình trên dọc hai bên tuyến đường tỉnh lộ 2 (từ ngã ba thị trấn Hoàn Lão đến ngã ba giao cắt giữa tỉnh lộ 2 và đường HCM nhánh Đông đến với khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng – thị trấn Xuân Sơn, huyện Bố Trạch).

Thứ ba, xây dựng các video, clip về các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản của Quảng Bình gắn với mạng lưới các khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn thành phố Đồng Hới thực hiện việc quảng bá, giới thiệu, thông tin về sản phẩm và trao đổi mua bán online, thanh toán trực tuyến.

Thứ tư, hình thành các Shop tự chọn, Quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích Chùa Hoàng Phúc, Núi Thần Đinh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan mô hình trình diễn sản xuất làng nghề ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng thưởng thức văn hóa bản địa hò khoan Lệ Thủy…

Phóng viên: Vậy để tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung trên, các ngành liên quan cần có hành động cụ thể gì thưa ông?

Ông Phan Hoài Nam: Theo tôi, thứ nhất, đề nghị Sở Du lịch Quảng Bình chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề (có mời chuyên gia tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng) để trao đổi, thảo luận xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của từng địa phương.

Thứ hai, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đủ quy mô diện tích, đăng ký mã vùng trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để phục vụ cho việc sản xuất, chế biến các mặt hàng OCOP tại địa phương.

z3743491611907-9a92ed98ba8906f7386a01cc2a177a64-1721292379.jpg
Trong thời gian qua, Quảng Bình đã không ngừng nổ lực quảng bá các sản OCOP đến tay người tiêu dùng.

Thứ Ba, đề nghị các Sở NN-PTNT, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương, Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý của các sản phẩm OCOP; xây dựng bao bì, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, giới thiệu, kết nối giao thương, tham gia giao dịch trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán onlie cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.

Phóng viên: Việc Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của cộng đồng, đem đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Vậy ngành Công thương chắc hẳn cũng có những chiến lược cụ thể thưa ông?

Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các hoạt động du lịch, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa. Nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Loan thực hiện