Theo đó, kể từ ngày 17/8, bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1956) sẽ không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT TAR. Tuy nhiên, bà Tuyết vẫn còn là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Thay vào đó, ông Phạm Thái Bình (sinh năm 1956) sẽ rời ghế Tổng Giám đốc để ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT, đồng thời được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại TAR. Hiện, ông Bình đang nắm giữ 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng tỷ lệ 14,04% vốn; trong khi đó bà Tuyết không sở hữu cổ phần nào tại TAR.
Nhân sự đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay ông Phạm Thái Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (sinh năm 1978, quê KV Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ). Từ tháng 5/2018 đến nay, bà Trang giữ chức Thành viên HĐQT và hiện không nắm giữ cổ phần nào tại TAR.
Trước đó ngày 14/8, bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT TAR và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc cùng gửi đơn xin từ nhiệm với lý do “cơ cấu lại nhân sự Công ty". Được biết, bà Lê Thị Tuyết và ông Phạm Thái Bình là vợ chồng, cả hai người vừa được bầu lại vào HĐQT Trung An nhiệm kỳ 2023-2028 trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra tháng 6 vừa qua.
Ông Bình và bà Tuyết có hai con gái đang giữ chức vụ quan trọng tại TAR, gốm bà Phạm Lê Khánh Hân (sinh năm 1981) là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc và bà Phạm Lê Khánh Huyền (sinh năm 1978) là kế toán trưởng của công ty. Sau khi đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu vào ngày 6/1/2022, hiện và bà Hân và bà Huyền không đã không còn có cổ phần nào tại TAR.
Về Trung An, đây là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, trong đó nổi bật có thị trường châu Âu. Chia sẻ với báo giới, đại diện doanh nghiệp cho biết hiện toàn bộ gạo của công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An, người tiêu dùng thị trường này rất thích loại gạo này. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện nay, Trung An đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.
Về kinh doanh, kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của TAR đạt hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến TAR lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng. Lý giải về điều này, Trung An cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TAR đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, cùng ký lãi gần 51 tỷ đồng. Năm 2023, Trung An đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu 3.800 tỷ đồng, đi ngang; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước. Như vậy sau 6 tháng, Trung An mới thực hiện được 1,2% kế hoạch lợi nhuận năm.