Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Chương trình OCOP xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền

Đinh Loan

19/07/2024 16:01

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng và khác biệt để khi đi ra thị trường sẽ có ‘tiếng nói” rêng và thu hút khách hàng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia và xây dựng nông thôn mới Quảng Bình xung quanh vấn đề trên...

PV: Các sản phẩm tạo ra từ chương trình OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hóa truyền thống, đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Vậy ông đánh giá như thế nào về các sản phẩm OCOP của Quảng Bình?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Có thể nói rằng các sản phẩm OCOP của tỉnh ta rất đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, đặc biệt có một số sản phẩm rất đặc trưng, mang yếu tố văn hoá, truyền thống của tỉnh như: Khoai gieo, nước mắm truyền thống, yến, cá bờm trắng, nước mắm mực, nước mắm nấm, hải sản chế biến, dược liệu, đũa gỗ. Đây cũng là yếu tố giúp cho các sản phẩm chiếm một phần ưu thế khi phân phối tại các thị trường trong nước. Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, các chủ thể kinh tế cần tiếp tục mở rộng quy mô thông qua hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm gia tăng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó cần hoàn thiện các tiêu chí quan trọng gồm: Giấy phép môi trường, chứng nhận xuất khẩu FDA, ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử theo chuỗi giá trị, thiết kế lại bao bì nhãn mác theo hướng hiện đại, sang trọng. Có như vậy thì các sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

fa3299f6fda258fc01b3-1721378787.jpg
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia và xây dựng nông thôn mới Quảng Bình.

PV: Thực tế cho thấy, trong số sản phẩm OCOP đã được công nhận cho đến nay, một số sản phẩm ít nhiều đã có thương hiệu, nhưng vẫn mang tính đại trà, chưa có điểm nhấn đậm nét?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Trong số 168 sản phẩm OCOP được công nhận, ngoài các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, vẫn còn một số sản phẩm trùng lặp, mang tính phổ biến như nước mắm, hải sản, mật ong, gạo…Các sản phẩm này do nhiều chủ thể sản xuất ra, chủ yếu là qua công đoạn sơ chế, chế biến đơn giản, quy trình sản xuất chưa có nhiều điểm khác biệt, nổi bật hơn so với sản phẩm cùng loại ở trong và ngoài tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cụ thể: (i) Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa các chủ thể kinh tế, liên kết cấp xã, huyện để cùng sản xuất một sản phẩm OCOP cùng chủng loại, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh. (ii) Khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư, nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP để tạo ra sự khác biệt, nổi trội của sản phẩm gồm phần gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm. (iii) Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang bán hàng Facebook, Zalo. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho chủ thể kinh tế về kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

e2bc7ce990b235ec6ca3-1721380019.jpg
Các sản OCOP của Quảng Bình ngày càng đa dạng và được giới thiệu rộng rãi đến với dân.

PV: Ông có thể đánh giá về các hoạt động nổi bật của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia và Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua? Theo đó, các chủ thể OCOP đã được hưởng lợi gì thông qua các chương trình mục tiêu đó?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là cơ quan tham mưu, giúp Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh quản lý, tổ chức, điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ngoài nhiệm vụ chính là tham mưu giúp Ban chỉ đạo trong việc đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Văn phòng điều phối còn thực hiện một số nhiệm vụ như:  Kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, tham mưu phân bổ vốn, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình, công tác thông tin truyền thống, đào tạo, tập huấn về chương trình. Thông qua đó, các chủ thể kinh tế OCOP khi tham gia chương trình được hưởng lợi một số chính sách của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới như: Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

109639b85decf8b2a1fd-1721378710.jpg
Ông Nguyễn Quốc Tuấn giới thiệu về các sản OCOP của tỉnh Quảng Bình đến người tiêu dùng.

PV: Việc chúng ta công nhận và gắn sao sản phẩm OCOP là một quá trình vất vả và khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu của tiêu chí. Việc giữ được chất lượng sản phẩm OCOP theo “sao” mà chúng ta đã công nhận lại là việc khó khăn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có hiện tượng suy giảm về chất lượng và “tụt” tiêu chí yêu cầu. Với một người có làm chức năng quản lý ông đưa ra lời khuyên gì?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Đối với mỗi chủ thể kinh tế, việc xây dựng, phát triển và được công nhận hạng sao OCOP là cả một quá trình. Do đó, khi được công nhận hạng sao OCOP các chủ thể không nên có tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, mà cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, để gia tăng giá trị, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó là nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị trường. Như vậy, mới duy trì và củng cố sản phẩm OCOP được công nhận, đồng thời làm cơ sở để nâng cấp, hướng đến hạng sao cao hơn.

Mặt khác, chúng ta cần có những giải pháp để tiếp cận thị trường, lắng nghe tiếng nói thị trường, tín hiệu thị trường, từ đó các chủ thể sẽ có sự điều chỉnh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Sản phẩm không hề đứng yên, do đó những người tạo ra sản phẩm OCOP phải luôn nâng cấp, cải tiến sản phẩm hiện có.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Loan