Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu của Công ty CP Bất động sản BIM (BIM Land).
Theo đó, ngày 21/8, BIM Land phát hành lô trái phiếu mã BIMCH2330001 với kỳ hạn 2.520 ngày, sẽ đáo hạn vào ngày 15/7/2030. Lãi suất trái phiếu 10,4%/năm. Khối lượng phát hành là 23.330 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.333 tỷ đồng. Tổ chức lưu ký lô trái phiếu trên là Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS).
Đáng chú ý, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo đều không được doanh nghiệp này công bố. Đây là lô trái phiếu thứ hai được BIM Land phát hành tại thị trường trong nước.
Trước đó vào tháng 12/2020, BIM Land đã phát hành mã trái phiếu BIMB2023001 có trị giá 1.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn vào ngày 30/12/2023. Tiền huy động được từ đợt bán trái phiếu sẽ dùng để đầu tư vào Dự án Centara qua hình thức hợp tác kinh doanh hoặc một hình thức khác. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là 6 quyền sử dụng đất với các thửa đất tại phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (đều thuộc sở hữu của BIM Land). Đơn vị bảo lãnh phát hành, đại diện trái chủ, đăng ký và quản lý chuyển nhượng là Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities).
Ngoài ra, hồi giữa năm 2021 BIM Land còn phát hành lô trái phiếu quốc tế trị giá 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỷ đồng) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Lô trái phiếu này do Credit Suisse thu xếp bảo lãnh phát hành, đáo hạn vào ngày 7/5/2026. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, chào bán tại nước ngoài.
Về kết quả kinh doanh, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính trên HNX, BIM Land mang về 810 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý 2/2023 của BIM Land đạt 7.430 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,59, tương ứng nợ phải trả ở mức gần 19.244 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 5.570 tỷ đồng. Cùng thời điểm, tổng tài sản của công ty đạt hơn 26.670 tỷ đồng.
BIM Land được thành lập vào tháng 11/2011, trụ sở chính của công ty này cũng đặt tại toà nhà Green Bay, đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hiện, BIM Land có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do ông Đoàn Quốc Huy là Tổng giám đốc và ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT.
Trong lĩnh vực bất động sản, BIM Land đang phát triển quỹ đất hơn 7 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Lào với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Còn về BIM Group, tập đoàn này được thành lập năm 1994, có trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Điều hành BIM Group cùng ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT còn có vợ là bà Khổng Thị Hiền và hai người con là bà Đoàn Thị Thanh Mai và ông Đoàn Quốc Huy. Trong đó, bà Khổng Thị Hiền giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; bà Đoàn Thị Thanh Mai giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn.
Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group còn là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Halong Marina (248ha) với nhiều dự án thành phần, bao gồm: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha),… Bên cạnh đó, BIM Group cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, được phát triển trên quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Ninh thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường bao biển Hùng Thắng.
Ở khu vực phía Nam, BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản hạng sang tại Phú Quốc như: Phu Quoc Marina (155ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2ha).
Doanh nhân Đoàn Quốc Việt được biết đến là người đứng sau thương hiệu hãng bay Air Mekong và tòa tháp Syrena Tower nguy nga nằm ngay Hồ Tây, Thủ đô Hà Nội.
Một diễn biến liên quan, mới đây Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - HoSE: SGN) đã có thông báo đã nhận được quyết định thi hành án theo yêu cầu của Chi Cục thi hành án dân sự TP.Phú Quốc đối với Công ty CP Hàng không Mê Kông (Air Mekong - Người đại diện kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Đoàn Quốc Việt).
Theo đó, Air Mekong phải có trách nhiệm thanh toán cho SGN số tiền còn nợ hơn 5,5 tỷ đồng. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, Air Mekong còn chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
"Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này”, văn bản của SGN nêu rõ.
Được biết, Air Mekong được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không năm 2008, có vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Hãng có chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/2010, tập trung khai thác các đường bay từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến Phú Quốc, Đà Lạt.
Đến tháng 3/2013, Air Mekong của doanh nhân Đoàn Quốc Việt phải xin tạm ngừng khai thác do tái cơ cấu đội máy bay. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, hãng vẫn không đưa ra được kế hoạch bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Khoản nợ hơn 5,5 tỷ đồng đối với Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn cũng được Air Mekong bắt đầu từ đó.