Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn xác định: “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế dịch bệnh và vừa tăng trưởng kinh tế. Đại dịch Covid-19 trở lại lần thứ 4 này có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… Đại dịch đã tác động lớn đến nhiều thành phần kinh tế, các ngành, lĩnh vực, nhất là các doanh nghiệp (DN). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp quý I/2021 của cả nước ước tính là 2,19%1. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tích cực nhưng chưa đạt tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, một số ngành còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, gây ra những tổn thất về sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhiều DN bị phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 DN trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường2. Ngành Dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 4,49%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 4,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, ở một số ngành bị tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đặc biệt lớn, như: Ngành Hàng không, Du lịch, Giao thông – vận tải, Dệt may; Giáo dục – đào tạo, Bán lẻ…3.
Chính vì vậy, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19… Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các gói hỗ trợ tài khóa có ý nghĩa tích cực đến tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các gói hỗ trợ này đưa ra nhiều tiêu chí chặt chẽ không khác gì các gói vay của ngân hàng, cho nên không phải DN nào cũng tiếp cận được, nhất là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, họ hạn chế về nhiều mặt so với các DN lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đơn cử như: năm 2020, gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động, nhưng đến nay, Công ty May 10 chưa tiếp cận được gói này. “Nguyên nhân là bởi yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì doanh nghiệp đã đóng cửa rồi”4.
Nhìn chung, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang hằng ngày tác động đến thu nhập của hàng triệu gia đình ở khắp mọi miền đất nước, nhất là ở những tỉnh, thành phố nơi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại. Kinh tế sụt giảm, lao động bị dôi dư, thu nhập bị giảm sút, làm cho các gia đình phải thắt chặt chi tiêu…
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021 như đã đề ra, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, toàn Đảng, toàn dân và toàn quântiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với các gói hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” đó là “Huy động, dồn toàn lực tấn công đẩy lùi dịch Covid-19, sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Thúc đẩy người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ thời gian qua, từ đó, đưa ra những gói hỗ trợ linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng DN, nhất là đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
Ba là, tăng cường mọi nguồn lực cho phát triển “Quỹ vắc-xin” phòng, chống Covid-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19, đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước. Cùng với đó cần tiếp tục nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “Hộ chiếu vắc-xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Bốn là, tăng cường theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình; xây dựng kịch bản tăng trưởng và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực tương ứng với diễn biến của dịch bệnh; có giải pháp chỉ đạo đối với các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.
Năm là, đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ sản xuất, nhất là việc xây dựng mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn, hỗ trợ DN xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”.
Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh vừa khôi phục sản xuất và cùng với các giải pháp phù hợp, sáng tạo, Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.