Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng cao

thunguyen

10/08/2019 09:14

Cơ sở hạ tầng cho phát triển trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đầy đủ trong khi nhu cầu phát hành vẫn không ngừng tăng trưởng.

Nửa đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 116 nghìn tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2018. Lượng trái phiếu của các ngân hàng chiếm 36%, 19% thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Nhìn tổng thể, mặt bằng lãi suất nói chung của trái phiếu doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn 0,5 điểm % so với các khoản vay cùng kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn ưa thích của các doanh nghiệp, bên cạnh hình thức vay ngân hàng truyền thống. Cũng là các khoản vay nợ, trái phiếu thường được cố định lãi suất suốt vòng đời (từ khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến khi trả nợ trái phiếu), trong khi các khoản vay ngân hàng dài hạn thường thả nổi lãi suất sau một vài năm. Là một loại giấy tờ ghi nợ, trái phiếu thường được phát hành cùng lúc cho nhiều chủ nợ, với cùng điều khoản (lãi suất, giá trị trái phiếu) trong khi mỗi khoản nợ là một hợp đồng vay nợ riêng lẻ của doanh nghiệp với ngân hàng. Đó là lý do trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch rộng rãi trên thị trường sau khi phát hành.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự vận hành hiệu quả.

Trong một cuộc tiếp xúc báo chí đầu năm 2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, mặc dù các doanh nghiệp lớn đã phát hành trái phiếu và niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng hầu hết giao dịch đều là thoả thuận giữa các bên. Một trong những lý do khiến thị trường thứ cấp dành cho trái phiếu doanh nghiệp, nơi các trái phiếu đã phát hành được tự do chuyển đổi giữa các nhà đầu tư, là do tình hình định mức tín nhiệm doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

“Hiện Việt Nam mới chỉ có một công ty định mức tín nhiệm, là doanh nghiệp nhỏ, không có tên tuổi gì”, ông Sơn cho biết. Trong khi đó các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế như Fitch Ratings hay Standard & Poor’s mới chỉ định mức tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam, cùng với một số lượng doanh nghiệp hạn chế, thường là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước.

Phát hành trái phiếu giúp các ngân hàng ngay lập tức có được nguồn tiền dài hạn (tuỳ kỳ hạn của trái phiếu), sẵn sàng để cho vay, qua đó tăng trưởng tín dụng, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Ngoài ra, nhờ nguồn tiền dài hạn từ trái phiếu, ngân hàng có thể cho vay dài hạn, giảm dần tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, đáp ứng yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang bị siết chặt tín dụng cho mảng bất động sản, khiến nhóm các công ty bất động sản buộc phải tự mình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp trở thành sản phẩm yêu thích của các ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản khi có nhu cầu huy động vốn.

So với các khoản vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp có nhiều ưu điểm: doanh nghiệp chủ động được lãi suất, không bắt buộc phải thả nổi lãi suất như các khoản vay ngân hàng, đặc biệt là các khoản vay dài hạn. Ngoài ra, việc huy động vốn qua trái phiếu giúp các doanh nghiệp ngay lập tức có một khoản tiền lớn, thay vì phải chờ giải ngân theo tiến độ dự án như các khoản vay ngân hàng.

Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu giúp hệ thống ngân hàng giảm áp lực huy động vốn, nợ xấu… Cuối năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP theo hướng nới lỏng các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ nhà đầu tư và minh bạch hoá thị trường trái phiếu, nghị định 163 cũng quy định về trách nhiệm công bố thông tin phát hành cho nhà đầu tư và Sở giao dịch chứng khoán.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng cao" tại chuyên mục Tài chính.