Trong Kết luận Thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Hà Nam (giai đoạn 2012 – 2018) mới được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan dự án Khu du lịch Tam Chúc (nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, dự án Khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng để xác định cơ cấu sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính nhưng đã giao một phần diện tích đất cho chủ đầu tư là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chậm trễ này là không đúng quy định của khoản 3, điều 108, Luật đất đai năm 2013.
UBND tỉnh Hà Nam, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư dự án đều là các đối tượng liên đới trong các vụ việc vi phạm của dự án Khu du lịch Tam Chúc.
Chi phí xây dựng trong dự toán phê duyệt không đúng, phải giảm trừ hơn 446 tỉ đồng
Tại dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, cơ quan thanh tra còn phát hiện chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.
Bên cạnh đó, thanh tra còn kết luận dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc khi điều chỉnh năm 2012 không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Dự án có 3 tuyến đường thuộc giai đoạn 1 phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công không phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt. Thực trạng này theo thanh tra là vi phạm Luật xây dựng.
Đáng chú ý, dự án Khu du lịch Tam Chúc còn có thiết kế cơ sở không lấy ý kiến thẩm định của bộ quản lý chuyên ngành theo thẩm quyền.
Dự án này cũng nằm trong danh sách những dự án bị kết luận được UBND tỉnh phê duyệt đơn giá vật liệu, vật tư cao hơn thông báo giá vật liệu của tỉnh, đơn giá máy rải SP.500 cao hơn một số địa phương. Theo thanh tra, điều này đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán công trình và không đúng nguyên tắc quản lý chi phí.
Đặc biệt, qua thanh tra tại 04 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thanh tra cho rằng số tiền chi phí xây dựng trong dự toán phê duyệt không đúng, phải giảm trừ là hơn 719 tỉ đồng.
Trong đó, riêng dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, số tiền chi phí xây dựng trong dự toán phê duyệt không đúng phải giảm trừ là hơn 446 tỉ.
Ngoài ra, thanh tra còn chỉ ra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói tư vấn khảo sát, lập dự án điều chỉnh bổ sung không đúng thẩm quyền; chấp thuận gia hạn thời gian đóng thầu gói thầu số 1-EPC không đúng thẩm quyền.
UBND tỉnh Hà Nam cũng phê duyệt điều chỉnh hình thức hợp đồng từ trọn gói sang đơn giá điều chỉnh đối với dự án là không đúng theo nghị định của Chính phủ.
Xử lý nghiêm minh các sai phạm
Từ những sai phạm được phát hiện nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu du lịch Tam Chúc theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt. Rà soát thiết kế các hạng mục công trình của dự án, đảm bảo theo đúng quy định.
Đối với hạng mục chỉnh trang lòng hồ Tam Chúc phải thực hiện rà soát, thanh toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật phần đã thực hiện.
Đối với những phần chưa thực hiện của dự án thì phải đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, không thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với việc thanh, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ đầu tư rà soát chi phí các hạng mục công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa và chi phí các hạng mục công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Nam rà soát, giảm trừ thanh, quyết toán số tiền 56,4 tỉ đồng của Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc. Rà soát, giảm trừ dự toán chi phí xây dựng số tiền trên 446,7 tỉ đồng của Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc.
Cơ quan thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm như kết luận đã nêu.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra này đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Chủ đầu tư với nhiều dự án “khủng”
Vào năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc (còn gọi là chùa Ba Sao).
Tại Khu du lịch Tam Chúc có 2 dự án thành phần, gồm: Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc và Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc.
Trong đó, Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư.
Còn Dự án Đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc là một trong những "siêu dự án" tâm linh liên quan đến đại gia Xuân Trường, tên thật là Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1963, quê gốc Hoa Lư, Ninh Bình) - Tổng giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có địa chỉ tại số 16 đường Xuân Thành, phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, được thành lập vào ngày 17/3/1993.
Bên cạnh chùa Tam Chúc, ông Nguyễn Văn Trường còn nổi tiếng với việc “mạnh tay” đầu tư Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với tổng số vốn lên tới 17.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp của đại gia này cũng đầu tư vào những khu du lịch lớn như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng)...
Đáng chú ý, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường còn được biết đến là nhà thầu quen thuộc tại nhiều dự án hạ tầng giao thông. Số liệu thống kê từ dữ liệu đấu thầu cho thấy, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã tham gia 18 gói thầu, trong đó trúng 17 gói, trượt 0 gói, 01 gói chưa có kết quả với tổng giá trị trúng thầu hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Một số dự án mà Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã thực hiện có thể kể đến như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng QL12B đoạn Tam Điệp – Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình,…
“Du lịch tâm linh” và những nhập nhằng trong quản lý đất đai Những năm gần đây đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án du lịch tâm linh quy mô lớn và nhận về những ý kiến trái chiều. Các siêu dự án du lịch này có số vốn xây dựng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, với mục đích khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực, xây dựng các công trình tâm linh tầm cỡ quốc gia, quốc tế, kết hợp hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng. Trong một cuộc trò chuyện với tờ Người đô thị, TS. Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định, về mặt truyền thống, việc tìm đến không gian tôn giáo là để thờ cúng cái thiêng, tìm sự yên ổn về tâm hồn, học hỏi những triết lý cao thâm và những ứng xử đạo đức. Đi lễ đền, chùa theo cách đó chưa bao giờ là hành vi gây tốn kém về tiền bạc, càng không thể hiện nhu cầu tiêu dùng, hay khoe mẽ về năng lực kinh tế. Tuy nhiên, kinh doanh hàng hóa tôn giáo ngày nay bởi các nhà đầu tư lại chủ yếu nhằm phát hiện và kích thích các nhu cầu tiêu dùng không thực sự cần thiết, mong muốn thể hiện khả năng kinh tế của cá nhân, thỏa mãn tâm lý thích sĩ diện về cảm giác được chiêm ngưỡng những gì to lớn, thuộc hàng kỷ lục, lại xa hoa và tốn kém. Những hành vi ấy chỉ tạo ra các nhu cầu chưa từng có, không thiết thực, nói cách khác là tạo ra các giá trị ảo. Đồng thời, ông cho rằng Việt Nam đang chứng kiến những nhà tỷ phú đô la giàu lên chủ yếu do đầu cơ đất đai hơn là nhờ vào phát minh, sáng chế, hay có ý tưởng kinh doanh xuất chúng. Nhưng đất đai là nguồn tài nguyên rất quý và sẽ cạn kiệt. Quá nhiều đất đai được thu gom và dành cho các dự án tâm linh, tôn giáo là một sự lãng phí nghiêm trọng. Cũng bàn về vấn đề này, GS.TS. Trần Ngọc Vương cho rằng, du lịch tâm linh chỉ là một khái niệm “tự sướng”, việc xây chùa lớn mới tinh rồi “thổi” tâm linh vào đó để bán vé thu tiền “khủng” chính là kinh doanh tâm linh, buôn thần bán Phật, kinh doanh tài sản quốc gia, và có thể băng hoại đời sống tinh thần xã hội. Đặc biệt, chuyện giao đất ở các khu “du lịch tâm linh” này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Quản lý đất đai trên cả nước là theo vùng lãnh thổ, cấp chính quyền. Người quản lý phải là cấp chính quyền cụ thể. Tuy nhiên, một khu du lịch tâm linh liên quan đến 2-3 huyện, thì chính quyền phối hợp với nhau giao đất cho doanh nghiệp hay cấp tỉnh quyết định? Nếu dự án liên quan sang vùng lãnh thổ của tỉnh khác thì chuyện khai thác, sử dụng, nộp thuế, tỉnh nào, huyện nào sẽ kiểm toán tất cả những thứ đó? Rồi chuyện thuế sử dụng đất ở các khu “du lịch tâm linh” này ra sao? Từ xưa tới nay các diện tích thuộc sở hữu của tôn giáo đều có tên các thửa đã có từ xưa. Đất tôn giáo vẫn có sổ đỏ nhưng không phải đóng thuế. Vậy những chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền nhận sở hữu không, đó có phải đất tôn giáo để không phải chịu thuế không? Muốn được công nhận quyền sở hữu thì Giáo hội phải chứng minh quyền sở hữu của mình từ xưa với mảnh đất đó. Cùng chung quan điểm với vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định cần có sự phân định rõ là đất dành cho tôn giáo hay dự án kinh doanh. Đất tôn giáo, theo Luật Đất đai 2013, được UBND tỉnh cấp cho các cơ sở tôn giáo theo quy hoạch của địa phương và không thu tiền sử dụng đất, được sử dụng lâu dài, tức thuộc loại ưu tiên số một. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như lãnh đạo các địa phương đều khẳng định các chùa Bái Đính, Tam Chúc là của Giáo hội dù Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng, thì rất có thể những dự án này không phải nộp thuế sử dụng đất. Sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch cũng dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng về thuế, đất đai, nguồn vốn... Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn... là rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo. |