Nhiều công ty “con” của các ông lớn lên sàn chứng khoán

Huỳnh Quang

27/07/2022 15:42

Trong nửa đầu năm, nhiều công ty con của các tập đoàn lớn được lên hoặc sắp lên sàn chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến công ty của Tập đoàn Gelex của đại gia “Tuấn Mượt”, Công ty Hoá chất Đức Giang, Tập đoàn Hưng Thịnh

Mới đây, thông tin Công ty CP Hưng Thịnh Land (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) chuẩn bị kế hoạch IPO, dự kiến niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhận được nhiều sự chú ý từ giới đầu tư.

Theo đó, Hưng Thịnh Land cũng hoàn tất giao dịch vốn cổ phần trị giá 103 triệu USD với hai đối tác lớn là Dragon Capital và VinaCapital. Thành công của giao dịch vốn lần này đưa Hưng Thịnh Land lần đầu tiên bước vào thị trường vốn quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi cho những định hướng chiến lược dài hạn. Quá trình thiết lập và thực hiện chiến lược của doanh nghiệp này còn có sự hậu thuẫn của những đơn vị tư vấn quốc tế như McKinsey và những đối tác danh tiếng trong và ngoài nước.

Báo cáo tài chính của Hưng Thịnh Land tính đến 31/12/2021 đã thể hiện rõ tiềm lực và đà tăng trưởng của doanh nghiệp”. Cụ thể, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.995 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần) so với năm 2020, trong đó, gần 40% doanh thu của Hưng Thịnh Land đến từ việc bàn giao hơn 1.000 sản phẩm tới khách hàng trong năm 2021 – kể cả trong giai đoạn thị trường bất động sản gặp điều kiện bất lợi do Covid-19. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.697 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần) so với cuối năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của công ty luôn ổn định ở mức gần 54%, biên lợi nhuận ròng đạt hơn 34% - giúp Hưng Thịnh Land nằm trong nhóm đầu các doanh nghiệp bất động sản có biên lợi nhuận cao trên thị trường.

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2021 đạt mức 51.393 tỷ đồng - tăng 2,5 lần so với năm 2020. Tổng tài sản tăng mạnh theo sát chiến lược tái cấu trúc tổng thể của Tập đoàn Hưng Thịnh. Theo đó, Tập đoàn này đã và đang tiếp tục chuyển giao toàn bộ mảng phát triển bất động sản cho Hưng Thịnh Land.

screen-shot-2022-07-27-at-14933-pm-1658904610.png
Dự kiến Hưng Thịnh Land sẽ IPO trong thời gian tới.

Từ ngày 7/6, Công ty Hoá Chất Đức Giang (MCK: DGC) đã đưa 25 triệu cổ phiếu của Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam (công ty con của DGC; UPCoM: PAT) lên sàn UPCoM. Qua tìm hiểu, PAT được thành lập từ tháng 1/2014 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2018, vốn điều lệ của PAT được nâng lên 250 tỷ đồng. Hoạt động của doanh nghiệp này là chuyên sản xuất phốt pho vàng. Năm 2022, PAT đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.316,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,3% và 134% so với thực hiện năm 2021.

Kết thúc quý I/2022, PAT thu về 997 tỷ đồng doanh thu, tăng 160,4% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phấm tăng, và sản xuất và tiêu thụ không bị ngừng do dịch Covid-19. Lợi nhuận sau thuế là 348,8 tỷ đồng, gấp 20,8 lần con số 16,8 tỷ đồng của năm trước do doanh thu tăng và tình hình tài chính được cải thiện. Như vậy, doanh nghiệp thực hiện 43% kế hoạch doanh thu và 58,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hồi tháng 3, Tập đoàn Gelex (MCK: GEX) đã đưa 300 triệu cổ phiếu GEE của Công ty CP Thiết bị điện Gelex (UPCoM: GEE) chuyên về mảng sản xuất công nghiệp điện lên giao dịch tại sàn UPCoM.

Được biết, GEE có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết bị điện như Dây cáp điện Cadivi, Động cơ điện Hem và Vihem, Máy biến áp Thibidi và Mee, Thiết bị đo điện Emic, Dây đồng CFT… Trong chiến lược lâu dài, GEE được định hướng đầu tư vào nguồn phát điện, mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 mW vào năm 2025.

gelex-4-1658904668.jpeg
 

Trong năm 2022, GEE đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần là hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế là 2.000 tỷ đồng, tăng 144,5%.

Kết thúc quý I, GEE ghi nhận doanh thu thuần tăng 11% đạt 4.620 tỷ đồng (đạt 24,2% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế tăng gần 141% lên 415,3 tỷ đồng (đạt 20,8% kế hoạch).

Bên cạnh đó, Tập đoàn Gelex sẽ thực hiện đại chúng hoá đối với Công ty CP Hạ tầng Gelex trong năm 2022. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại, điện và nước sạch.

Công ty Hạ tầng Gelex có vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng, là công ty con của Gelex với tỷ lệ lợi ích 92,88% và tỷ lệ biểu quyết 96,71%. Thông tin từ Công ty Hạ tầng Gelex công bố, đơn vị sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm Tổng Công ty Viglacera, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), Công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng, Công ty CP Năng lượng Gelex Quảng Trị, Công ty CP Hạ tầng Gelex và Công ty CP Dịch vụ Năng lượng Gelex.

Một doanh nghiệp khác cũng muốn đưa công ty con của mình lên sàn chứng khoán đó là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power; MCK: POW). Được biết, trong năm 2022, PV Power sẽ đưa cổ phiếu của Thủy điện Đakđrinh lên giao dịch tại UPCoM.

pvpower-1658904442.jpeg
Sắp tới, nhiều công ty con của PV Power sẽ lên sàn.

Năm 2007, Thủy điện Đakđrinh được thành lập với vốn 1.169 tỷ đồng và PV Power sở hữu hơn 95% vốn. Dự án được thiết kế 125 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện hàng năm 541 triệu kWh, phát điện tổ máy số 1 từ tháng 6 và tổ máy số 2 vào tháng 9 cùng năm 2014.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, PV Power hiện có 5 công ty con, trong đó Nhơn Trạch 2 (MCK: NT2) đã được niêm yết trên HOSE, Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (MCK: PPS) được niêm yết trên HNX và Thủy điện Hủa Na (UPCoM: HNA) đã đưa cổ phiếu lên UPCoM. Còn Công ty Thuỷ điện Hủa Na và Công ty Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí vẫn chưa được lên sàn. Tuy nhiên, theo nhiều kế hoạch, cả 2 doanh nghiệp này sẽ lên sàn trong vài năm tới.

Huỳnh Quang