Nhà hàng gặp khó ngay cả khi chuyển sang kinh doanh online

thunguyen

17/04/2020 09:14

Chủ trương cách ly toàn xã hội từ phía Chính phủ, cũng như nỗi lo dịch bệnh lây lan của từng người dân khiến các cửa hàng ăn uống gặp khó khăn ngay cả khi chuyển sang kinh doanh online.

Theo quy định, các nhà hàng có sức chứa dưới 30 người vẫn được phép mở cửa, tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội và TP.HCM, hầu hết các nhà hàng đã chuyển dần sang bán online hoặc đóng cửa.

Từ tháng Ba, khi chủ trương cách ly toàn xã hội chưa được đưa ra, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 18,4% so với tháng Hai, và giảm 26,8% so với cùng kỳ, theo số liệu từ Tổng Cục thống kê. Số liệu tháng Tư chưa được công bố, tuy nhiên có thể hình dung mức sụt giảm sẽ càng tồi tệ.

Anh Phương, một tài xế GrabBike (tài xế chạy xe máy) cho biết mức thu nhập của anh đã sụt giảm mất hai phần ba trong mùa dịch, từ khoảng 600 nghìn đồng/ngày xuống chỉ còn 200 nghìn đồng/ngày. Grab đã dừng hoàn toàn hoạt động của xe ô tô, chỉ duy trì các dịch vụ GrabBike, GrabFood (gọi đồ ăn) và ra mắt thêm GrabMart (đi chợ) với các tài xế xe máy. Trong ngày 16.3, là ngày đầu tiên của đợt cách ly thứ hai, anh Phương cho biết hầu như khách hàng không còn gọi GrabBike, mà chỉ gọi GrabFood, với số lượng đơn hàng cũng giảm sút rõ rệt so với trước. “Cả ngày tôi chỉ được 22 đơn hàng GrabFood, trong khi giá trị đơn hàng Food thường thấp hơn rất nhiều so với các cuốc xe chở người” - anh Phương cho biết trong khi đang ngồi chờ ứng dụng “nổ” cho đơn tiếp theo, vào buổi tối 16.3.

Một nhà hàng chuyên các món gà Hàn Quốc tại khu Phú Mỹ Hưng - Quận 7, nơi tập trung nhiều công dân Hàn Quốc, mở cửa xuyên đêm, đã chuyển hoàn toàn sang phục vụ online. Khác với lượng khách đông đảo trước đó, các tài xế đến nhận giao hàng từ đây tương đối thưa thớt. Hai chiếc ghế được đặt cách nhau 2 mét, dành cho tài xế chờ lấy hàng, hầu như không có người ngồi.

Kinh doanh online chỉ là giải pháp tạm thời đối với các nhà hàng, để trang trải chi phí thuê mặt bằng nhìn chung đắt đỏ, hoàn toàn không phải là cơ hội trong giai đoạn dịch bệnh.

Khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ, thu nhập thực tế của lao động nhìn chung bị sụt giảm. Theo rổ hàng hoá chi tiêu điển hình được Tổng cục Thống kê đưa ra, 36% thu nhập của người Việt là dành cho lương thực, thực phẩm. Thu nhập giảm khiến mức chi tiêu này được thắt chặt.

Việc cách ly xã hội khuyến khích các gia đình tăng cường tự nấu ăn hơn là đặt hàng từ các nhà hàng, vì lý do tiết kiệm và sự e ngại lây lan dịch bệnh khi đặt các món ăn liền. Ngoài ra, thói quen của người dân các thành phố thông thường gọi đồ ăn chung khi làm việc tại công sở cũng gần như phải chấm dứt khi hầu hết các công ty đều bắt buộc hoặc khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà.

Linh Anh

thunguyen