Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lớn khi tài sản của tầng lớp siêu giàu thế giới tăng lên mức kỷ lục. Trong 10 năm tới, ít nhất 5 tỷ phú sẽ vượt ngưỡng tài sản 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, sự bùng nổ này lại đi kèm với bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng và sự gia tăng tài sản thừa kế không bị kiểm soát.
Theo báo cáo của Oxfam công bố ngày 20/1/2025, tài sản của các tỷ phú trên thế giới trong năm 2024 đã tăng thêm 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 5,7 tỷ USD mỗi ngày, nhanh gấp ba lần so với năm 2023.
Số lượng tỷ phú cũng tăng thêm 204 người, nâng tổng số lên 2.769 cá nhân với tổng tài sản đạt 15,3 nghìn tỷ USD. Oxfam dự báo rằng nếu xu hướng tăng trưởng này tiếp tục, ít nhất năm tỷ phú sẽ tích lũy tài sản vượt mức 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Đáng chú ý, CEO Elon Musk của Tesla và SpaceX, hiện là người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 430 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD trong vòng chưa đầy năm năm tới.
Các tỷ phú khác như Jeff Bezos của Amazon, Larry Ellison của Oracle, Mark Zuckerberg của Meta và Bernard Arnault của LVMH cũng được dự đoán sẽ gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ USD" này.
Ngoài tài sản, tầng lớp siêu giàu còn ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị. Elon Musk, ví dụ, đã chi 260 triệu USD cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh quyền lực của những tỷ phú trong việc định hình các chính sách toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc này có thể mang lại hiệu quả tích cực, khi các tỷ phú sử dụng kinh nghiệm kinh doanh để điều hành kinh tế quốc gia.
Mặc dù tài sản của giới siêu giàu tăng mạnh, số người sống trong cảnh nghèo đói trên toàn cầu vẫn gần bằng năm 1990, cho thấy sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng.
Oxfam nhấn mạnh rằng 60% tài sản của các tỷ phú hiện nay đến từ thừa kế, quyền lực độc quyền hoặc "mối quan hệ thân hữu" thay vì từ nỗ lực kinh doanh tự thân.
Đáng chú ý, hơn 1/3 tài sản của các tỷ phú đến từ thừa kế, một xu hướng đáng báo động trong bối cảnh nhiều quốc gia không áp dụng thuế thừa kế. Điều này dẫn đến sự tập trung tài sản qua các thế hệ, tạo nên sự bất bình đẳng sâu sắc hơn.
Báo cáo của Oxfam cũng cảnh báo về sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của các tỷ phú.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có gần chục người sở hữu tài sản ít nhất 1 tỷ USD, biến đây trở thành một trong những bộ máy chính quyền giàu có nhất trong lịch sử nước này.
Sự kết hợp giữa tài sản khổng lồ và quyền lực chính trị đặt ra những thách thức lớn đối với việc giảm bất bình đẳng và thúc đẩy công bằng xã hội.
Trước thực trạng này, Oxfam kêu gọi các quốc gia thực hiện cải cách thuế công bằng hơn và xóa nợ cho các nước nghèo nhằm giảm bất bình đẳng.
Nếu không có hành động kịp thời, thế giới sẽ chứng kiến sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ lớn nhất trong lịch sử mà hầu như không bị đánh thuế, góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất ổn xã hội.