Ngân hàng tư chuyển mình

thunguyen

30/05/2020 07:35

Các ngân hàng tư truyền thống với lịch sử hoạt động hàng trăm năm đang dần từ bỏ danh xưng private banking - dịch vụ quản lý tài sản cho người giàu (có tài sản trên 1 triệu USD).

Các ngân hàng đang bắt đầu quay trở về với dịch vụ quản lý tài sản (wealth management) thay vì dịch vụ ngân hàng tư (private banking) nhưng hầu như không thay đổi về các chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Thuật ngữ private banking đã được đưa ra khỏi website của Credit Suisse từ bốn năm nay. UBS, ngân hàng tư nổi tiếng của Thuỵ Sĩ với giá trị tài sản quản lý trên 2.000 tỉ USD cũng không còn “để hai từ private và bank ở cạnh nhau” tại trụ sở Thuỵ Sĩ, theo Euromoney.

Private banking chú trọng sự riêng tư, bảo mật. Đối với nhiều người giàu có với khối lượng tài sản khổng lồ, khái niệm trả tiền cho ngân hàng nhiều khi đơn giản là bảo quản và quản lý tiền của họ, một cách bí mật, che giấu khỏi sự kiểm soát của chính quyền, thậm chí để tránh thuế. Nhưng việc phanh phui thông tin khách hàng sau những sự kiện như Panama Papers, cho thấy đáp ứng vô điều kiện các yêu cầu từ khách hàng, đôi khi đem lại rủi ro cho ngân hàng.

Từ năm 2009 đến 2016, các ngân hàng tư Thuỵ Sĩ và đối tác ngân hàng tư của nước ngoài tại Thuỵ Sĩ đã bị phạt khoảng 5,8 tỉ USD vì trốn thuế tại Mỹ, theo dữ liệu từ Dự án nghiên cứu vi phạm của doanh nghiệp (Corporate Research Project’s violation tracker).

Những vụ việc như vậy đang làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào ngân hàng, khi các ngân hàng hầu hết đều trở thành công ty đại chúng, thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. Các ngân hàng buộc phải cân nhắc việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân và nhà đầu tư, hai chủ thể đều mang lại dòng tiền cho ngân hàng.

Chuyển đổi sang dịch vụ quản lý tài sản đơn thuần đang là cách mà nhiều ngân hàng lựa chọn. Đầu tư vào các danh mục bền vững, cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua kỹ thuật số,… là cách mà ngân hàng cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính bản thân.

Giới nhà giàu hiện đang nắm quá nửa giá trị tài sản toàn cầu, theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu tài sản WealthX. Trong đó, châu Á đang nổi lên là khu vực tăng trưởng số lượng người giàu nhanh nhất thế giới, đang là điểm đến của các ngân hàng với dịch vụ private banking, quản lý tài sản.

Tuy nhiên, quản lý tài sản mang tính cá nhân không còn là đặc quyền của các ngân hàng. Các chuyên gia tài chính, với các chứng chỉ đầu tư, giấy phép môi giới chứng khoán, cùng các mối quan hệ dày dặn, cũng đang hướng tới dịch vụ này, cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng, trong khi các ngân hàng phải gánh các chi phí pháp lý tương đối cao.

MBaer Merchant Bank, một ngân hàng vừa được thành lập năm 2018 tại Thuỵ Sĩ (một thành viên của ngân hàng MBaer lâu đời) đang hướng tới những dịch vụ như vậy. “Chúng tôi là thế hệ ngân hàng mới, được xây dựng trên những mối quan hệ cá nhân” - website của MBear giới thiệu.

Greg Fleming, cựu Giám đốc quản lý tài sản của Morgan Stanley hiện đang là giám đốc điều hành và đồng sở hữu Rockefeller Capital Management, vừa có giấy phép môi giới chứng khoán, đồng thời đang xây dựng chiến lược tư vấn khách hàng.

Trong lĩnh vực private banking, một ngân hàng lớn, với khối lượng tài sản khổng lồ và các mối quan hệ chằng chịt, chưa hẳn đã có lợi thế. Các ngân hàng có bề dày truyền thống như Warburgs hay Rothschild, JPMorgan, Credit Suisse,… thường được thành lập với mục đích phục vụ một doanh nhân hay một dòng họ giàu có nào đó, sau đó có thêm tương đối hạn chế số lượng các khách hàng. Dần dần, với áp lực lợi nhuận, các ngân hàng được mở rộng đối tượng khách hàng, dần xa rời với mục tiêu ban đầu, cũng như đánh mất những lợi thế khi quy mô còn nhỏ gọn.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng tư chuyển mình" tại chuyên mục Tài chính.